Vườn bonsai khế của anh Duy |
nvcc |
Bonsai khế dáng tầm trung hút hàng
Ngoài có thêm thu nhập từ các dòng bonsai linh sam, mua bán đồ gốm..., anh Trần Đắc Duy (29 tuổi, ngụ Lấp Vò, Đồng Tháp) mỗi tháng còn kiếm thêm hàng triệu đồng từ việc kinh doanh kiểng khế.
Sau hơn 2 năm trồng trọt, anh Đắc Duy sở hữu vườn bonsai nhiều dòng trong đó có hơn 100 kiểng khế đủ dáng kiểu…
“Dòng bonsai khế ta không được nhiều người ưa chuộng vì nó ra lá bự, thô so với dáng cây. Về sau, tôi ghép với các dòng khế Nhật thì thành phẩm cho ra vô cũng bắt mắt. Cây có thân đẹp, lá nhỏ, mượt, phù hợp với dáng bonsai”, anh Duy chia sẻ.
Anh Duy cho hay khế làm bonsai thường cho ra trái ít, nhưng nhờ đó giúp cây được cân bằng khi nhìn tổng thể |
nvcc |
Hồi tháng 1, anh Duy bán được gần 50 cây khế kiểng, với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Trung bình mỗi tháng anh cho cho ra thị trường từ 15 - 20 cây bonsai khế.
Anh Duy cho hay: “Trồng bonsai lớn cho giá trị cao nhưng mất thời gian. Tôi chọn sản xuất theo lối công nghiệp nên 1 - 2 năm là bán được. Đa số chỉ bán bonsai khế dáng tầm trung. Tôi nhận thấy bán khế kiểng kích cỡ này, tuy giá thấp nhưng nhiều người mua hơn".
Anh Duy tập trung vào phân khúc tầm trung. Ngoài việc ghép cây, anh còn nhập phôi về để kinh doanh |
nvcc |
Những cây khế kiểng nhỏ nhắn |
nvcc |
Khách hàng của anh Duy chủ yếu là những người không sành về cây cảnh nhưng muốn có bonsai khế để giúp không gian nơi làm việc hoặc nơi ở được xanh và đẹp hơn.
“Người mua thì mỗi người mỗi ý. Thường những cây bonsai khế có giá trị cao từ vài triệu đến chục triệu khiến khách phân vân, do đó việc “chốt đơn” cũng đạt tỷ lệ thấp. Còn đối với cây giá rẻ, ai chơi cũng được, nếu không chịu chăm sóc, cây chết thì mua cây khác mà không tiếc tiền. Thú vui tiêu khiển vài trăm ngàn là rất bình thường", anh Duy nói thêm.
Một cây kiểng khế dáng rũ có giá trị cao trong vườn anh Duy |
nvcc |
Theo anh Duy, nhiều khách hàng chọn bonsai khế của anh khi chúng được trồng với đế đẹp, tán dày, thân chi đủ lực.
Anh Duy cho hay mỗi cây có một đặc tính, dáng thế khác nhau, không cần phun thuốc, chủ yếu tưới nước 1 lần một ngày vào buổi sáng hoặc chiều. "Khi cây ra hoa, thấy bông nào mạnh thì chúng ta giữ lại để cho nó kết trái. Giai đoạn này cần tăng cường thời gian tưới, một ngày 2 lần", anh Duy nói.
Theo anh Duy, cây kiểng khế dễ trồng, chỉ cần tưới nước đều đặn |
nvcc |
Cách chăm sóc bonsai khế
Còn anh Trương Văn Lợi (29 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) cũng "hóa" cây khế thành dáng bonsai. Hiện anh Lợi sở hữu hàng chục kiểng khế cho giá trị từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Từ đó, anh có thêm thu nhập mỗi tháng ngoài công việc chính là làm nhân viên văn phòng.
Theo anh Lợi, cây khế là loài thân gỗ, đặc tính thân cành giòn, nên thời gian đầu anh rất khó tạo thế, dáng bonsai.
Anh Lợi cho hay khế khó tạo dáng hơn so với bonsai khác |
T.đ |
“Tôi thường dùng dây quấn, chằng, kẽm để tạo dáng cho khế theo ý thích. Tuy nhiên, một bonsai khế đẹp cần có sự cân bằng toàn diện, từ việc tạo hình, uốn nắn cấu trúc cho đến kết hợp giữa cây và chậu. Rễ cây lộ ra trên mặt đất sẽ giúp thu hút người mua”, anh nói thêm.
Kiểng khế cũng khá nhạy cảm với ánh sáng vì thế để không bị nứt, tách thân cây làm giảm độ thẩm mỹ, anh Lợi hay đặt vị trí chậu khế bonsai ở những nơi có ánh sáng vừa phải.
Khế được trồng thành bonsai |
đắc duy |
"Về đất trồng, bonsai khế cần nhiều mùn, tơi xốp, trong thời kỳ đậu quả nên sử dụng vôi bột, tro bếp để tăng chất lượng quả. Để đảm bảo cây cho tán đều, chúng ta nên tỉa bớt cây ở giai đoạn trưởng thành, đồng thời cắt tỉa những cành bị bệnh, yếu để cải thiện dinh dưỡng cho cây", anh Lợi chia sẻ.
Bình luận (0)