Ở vùng đất cố đô Huế không ít người sở hữu những vườn cây kiểng với những cây mai, cây sanh có giá tiền tỉ.
Ông Nguyễn Hữu Vấn và cây mai cổ gần 150 tuổi của mình - Ảnh: Tuyết Khoa
|
Ai đã đến Tịnh Gia Viên trên đường Lê Thánh Tôn (TP.Huế), ắt sẽ rất ấn tượng với vườn cây kiểng của ông Nguyễn Hữu Vấn, người nổi tiếng có bề dày trong nghề chơi cây kiểng.
Vườn nhà của ông có hàng trăm chậu cây kiểng quý như sanh, lộc vừng, mai… Trong đó, phải kể đến những gốc mai cổ có độ tuổi trên 100 năm được ông Vấn đặt với những cái tên rất ấn tượng như Long Giáng, Long Ngọa, Long Thăng...
Theo ông Vấn, những gốc cây mai cổ này luôn cho hoa đúng Tết, là giống mai vàng quý. Hoa có màu vàng đậm, mùi thơm nhẹ nhàng. Nhiều người trả tiền tỉ nhưng ông không bán. Các cây mai này đã giành nhiều giải cao trong các cuộc thi lớn về cây kiểng. Long Giáng là cây mai cổ nhất với tuổi gần 150 năm. Gốc xù xì và có thế như hình một con rồng.
“Đối với những người đam mê cây kiểng thì mỗi cây đều có mỗi cái duyên và luôn chăm sóc nó rất kỹ lưỡng. Cho nên, nhiều người có trả tiền tỉ mình cũng không muốn bán bởi nó mang giá trị tinh thần rất lớn, không thể định giá một cách cụ thể như hàng hóa”, ông Vấn chia sẻ.
Ông Đỗ Thanh Liêm, trú tại phường Thủy Xuân (TP.Huế), cũng là một trong những người sở hữu nhiều cây kiểng quý ở Huế. Với diện tích 2.000 m2, khu vườn cây kiểng của ông Liêm khiến nhiều người thực sự choáng ngợp. Những cây sanh đồ sộ với những thế khác nhau có giá không dưới một tỉ đồng.
Đặc biệt, nói đến cây sanh quý, người Huế thường nhắc đến cây sanh hơn trăm tuổi tọa lạc tại căn nhà trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP.Huế). Hiện ngôi nhà và cây sanh quý này được ông Lê Đình Sự tiếp quản. Cây sanh có thế lạ với nhiều cành rễ chằng chịt và bám chặt và các tảng đá.
Bà Lê Thị Oanh, vợ ông Sự cho biết: “Cây này được nhiều người đến xem và trả giá cả chục tỉ bạc. Tôi cũng rất ngạc nhiên về giá trị của nó. Nhưng cây sanh này được các đời trước để lại nên gia đình tôi nhất quyết không bán”.
Bình luận (0)