Cây kơ nia của văn học Tây Nguyên

03/06/2010 13:31 GMT+7

(TNTT>) …Nhà văn Y Điêng quấn khố, chọn một bãi đất rộng, ngồi xuống và cất tiếng hát Khan…

Nhà văn Y Điêng (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật) sinh năm 1928 tại buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Năm nay đã 82 tuổi, da đỏ au, nói cười rổn rảng, nhà văn Y Điêng được ví như cây kơ nia của văn học Tây Nguyên. Không nói nhiều về chuyện viết lách, ông bảo: “Chuyện đó người ta hỏi hoài, chú nói hoài. Bây giờ chú nói chuyện này mấy đứa nghe”.

Tháp tùng cụ Y Bi Aleo ra gặp bác Hồ

 Ra Việt Bắc từ năm 1953, sau hơn 10 năm học tập và công tác trên đất Bắc, năm 1964, nhà văn Y Điêng trở lại chiến trường miền Nam, làm thư ký riêng cho cụ Y Bi Aleo, Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông nói, được làm thư ký cho cụ Y Bi Aleo, ông mở mang ra nhiều điều, nhất là vốn kiến thức về văn hóa Tây Nguyên, về khả năng tập hợp, đoàn kết đồng bào. “Nhớ nhất  là lần tháp tùng cụ ra miền Bắc và được gặp Bác Hồ”, nhà văn Y Điêng hồi tưởng.

Đó là vào tháng 3.1969. Khi đó, ông Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5 nhận được kế hoạch vào tháng 6.1969 sẽ tiến hành tổ chức Đại hội quốc dân thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong khi tiến hành đại hội cần có đại diện các dân tộc Tây Nguyên vào dự. Khu ủy Khu 5 cử cụ Y Bi Aleo làm trưởng đoàn. Gọi là đoàn nhưng chỉ có 2 người, gồm cụ Y Bi Aleo và ông - thư ký của cụ. Để bảo đảm an toàn, chuyến đi phải tiến hành theo một lộ trình ngược là ra Bắc, từ đó Trung ương sẽ có cách đưa cụ vào Tây Ninh dự đại hội.

Lúc ấy, cụ Y Bi Aleo đã gần 70 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều, đường đi lại vô cùng khó khăn, phải trèo đèo, lội suối, nhiều khi mò mẫm trong đêm mà đi. Có những cung đường máy bay địch ngày đêm quần thảo, bắn phá. Vậy nhưng, điều ông cảm phục ở cụ Y Bi Aleo là không bao giờ để giao liên phải cáng mình. Anh em nhiều lúc năn nỉ đến muốn khóc, cụ nói: “Tôi đã thấy trong phim Bác Hồ đi chiến dịch biên giới, Bác đi bộ là nhằm động viên các chiến sĩ hăng hái chiến đấu và chiến đấu giỏi hơn”.

3 tháng lặn lội, đến thượng tuần tháng 6.1969, hai bác cháu ra đến Hà Nội và được gặp Bác Hồ ngay. Ông nhớ, hôm đó, cụ  Y Bi Aleo và ông đang trò chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Bác Hồ đến. Hồi ở Hà Nội, ông đã được thấy Bác mấy lần, nhưng đây là lần đầu tiên ông được gần Bác nên ông cố giữ bàn tay của Bác thật lâu. Ông nhớ nhất là sau khi hỏi thăm sức khỏe của cụ Y Bi Aleo, hỏi thăm cuộc đấu tranh chống Mỹ  của đồng bào Tây Nguyên, Bác còn hỏi đồng bào có nuôi được nhiều gà không, gà có lớn nhanh không? Cụ Y Bi Aleo hiểu ngay ý Bác, vì trong lần gặp Bác năm 1961, Bác đã nói chuyện với cụ về nuôi gà - tức chuyện đào tạo cán bộ tại chỗ. Cụ trả lời: “Thưa Bác, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nuôi nhiều “gà”, “gà” tốt, lớn nhanh… Hiện nay không những chúng tôi có “gà” tại chỗ mà còn có cả con cháu ngoài Bắc vào. Đoàn kết tốt, chiến đấu tốt". Bác Hồ dặn đi dặn lại cụ Y Bi Aleo là: “Cụ già rồi, ở ngoài này tốt hơn, xong đại hội rồi, cụ phải ra ngoài này ngay”. Cụ  Y Bi Aleo rất cảm động về tấm lòng của Bác đối với cụ và đồng bào Tây Nguyên.

Trở về với dòng sông Hinh

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Y Điêng là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Ông kể chuyện vui, hồi đó, có vị lãnh đạo gợi ý chuyển ông về làm bí thư một huyện. Ông nói, vì không không muốn làm lãnh đạo, chỉ thích văn chương nên ông ra điều kiện: làm bí thư nhưng phải thêm cả chức chủ tịch huyện  thì mới làm! Sau đó, ông xin thôi chức Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đắk Lắk để về công tác tại Hội Văn nghệ Phú Khánh. Ông nói, người Tây Nguyên sống chết với rừng, rời rừng không còn là người Tây Nguyên, cái cây không còn xanh nữa. Cũng vì thế, ngay sau khi về hưu, ông rời Nha Trang về lại sông Hinh. Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông bày tỏ: “Với tôi, dòng sông Hinh quê hương nơi tôi sinh ra, gắn bó suốt tuổi thơ cùng bạn bè, đã trở thành máu thịt, tôi nhớ hoài khi phải xa nó…”. Nhắc đến Sông Hinh, ông xa xăm: “Con Sông Hinh của tôi hiền hòa, ngọt ngào và đẹp lắm, là cái gì đó không thể nói được. Bây giờ làm thủy điện, tuy được ánh sáng nhưng buồn là sông Hinh không còn đẹp, không còn sạch như xưa. Sông Hinh đã mất nhiều lắm !”.

Để giữ gìn vẻ đẹp Sông Hinh-ít nhất là trong ký ức - ngoài viết bộ tiểu thuyết 2 tập “Chuyện bên bờ sông Hinh”, ông đã ra sức sưu tầm, biên dịch các trường ca Tây Nguyên như Đăm Di, Khinh Dú, Y Ban, Y Brao, H’Bia Mlin… và vừa hoàn thành bản thảo tập truyện cổ tích “Chuyện cọp núi Lá”.

Hát khan

Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào, giỏi nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Chăm, Gia Rai, Tày… Ông nói: biết nhiều thứ tiếng để hiểu tiếng Ê Đê, yêu tiếng Ê Đê mình hơn. Ông đắm đuối với tiếng Ê Đê, không chỉ viết truyện bằng song ngữ Việt - Ê Đê, mà còn: “Muốn cái tiếng Ê Đê của mình phải vang, xa”. Nhà báo Nguyễn Trường Sinh, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh kể: hồi mới về hưu, ông đến bàn bạc với đài, gặp lãnh đạo huyện, đề nghị mở chương trình truyền thanh tiếng Ê Đê. Với kinh nghiệm của một người từng làm báo ở đài phát thanh quốc gia, tự tay ông đào tạo phát thanh viên, dịch chương trình từ tiếng Kinh sang tiếng Ê Đê. Ông cười: “Huyện nghèo, nhuận bút chẳng bao nhiêu, nhưng vui lắm! Chưa nói những thông tin trong đó, chỉ riêng cái việc hằng ngày nghe tiếng dân tộc mình trên đài đã tạo cho bà con ý thức về nguồn cội của mình rồi!”. Không dừng lại đó, ông còn đào tạo phát thanh viên và biên dịch viên cho Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên mở chương trình phát thanh tiếng Ê Đê.

Nhà văn Y Điêng là thầy giáo của không biết bao nhiêu lớp học tiếng Ê Đê từ xã, huyện, đến tỉnh, nhiều nhất vẫn là các đoàn thể và ngành công an. Nhờ biết tiếng Ê Đê mà cán bộ có điều kiện gần dân, nói dân tin hơn, giải quyết “điểm nóng” cũng dễ hơn.

Tại địa phương nọ, kẻ xấu về trà trộn, lôi kéo bà con. Chính quyền, mặt trận tìm mọi cách tập hợp bà con để tuyên truyền, vận động, nhưng đều không được, cuối cùng phải nhờ đến ông. Nhà văn Y Điêng quấn khố, chọn một bãi đất rộng, ngồi xuống và cất tiếng hát Khan. Giọng ông trầm bổng, du dương, len vào từng nhà, từng tai mọi người. Ông hát rằng: Năm mới, xuân mới, chúc nhau sức khỏe/Chúc tất cả mọi chuyện đều mới mẻ/Này con xanh, con đen, con trắng, tất cả hãy xuống với chúng tôi.

Không ai bảo ai, mọi người trong buôn lục tục kéo đến vây quanh, say sưa nghe ông hát Khan. Hơn một tiếng đồng hồ, nhìn ánh mắt của mọi người đã “no” Khan, ông mới nhẹ nhàng cùng cán bộ giải thích, vận động, bà con ai cũng nghe ra.

Ông bảo, làm cách mạng ở Tây Nguyên mà không hiểu văn hóa Tây Nguyên thì không thể thành công. Đó cũng là điều mà ông học được từ cụ  Y Bi Aleo.

Phan Xuân Luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.