Cây mãng cầu phủ xanh đất cằn

15/11/2018 06:54 GMT+7

Nhiều vùng đất cằn cỗi ở H.Kon Chro (Gia Lai) đã được người dân cải tạo, trồng nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là mãng cầu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vườn.

Kon Chro là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất tỉnh Gia Lai, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 120 km. Đất đai bạc màu, sỏi đá cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến cái nghèo đeo đẳng người dân nhiều đời nay.
Chỉ vài năm trở lại đây, vùng đất nghèo này có những điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây ăn trái như thanh long, quýt đường, mãng cầu (na)... Từ những khu vực cằn cỗi, nhờ sự chịu khó tìm tòi của người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tạo đất và tìm hướng đi thích hợp cho mô hình kinh tế hộ gia đình, nên có nhiều hộ đã đổi đời.

Nhiều người dân đang mở rộng diện tích đối với các loại cây ăn quả. Bước đầu cho thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khá hiệu quả, bởi thổ nhưỡng ở đây cũng khá phù hợp với những loại cây này

Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Kon Chro

Ông Lê Văn Ất, ở xã Kông Yang (H.Kon Chro) là người thành công nhất trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cải tạo đất để trồng mãng cầu dai. Ông Ất nói: “Suốt nhiều năm kinh tế gia đình vật lộn trong khó khăn, thiếu thốn. Nhiều loại cây trồng đã được thử nghiệm trên mảnh vườn rộng trên 3 ha song hiệu quả rất hạn chế. Đây là vùng đất xấu, khô cằn, toàn sỏi đá nên trồng cây gì cũng chết hoặc năng suất thấp, không thể bằng các khu vực khác ở Gia Lai cũng như nhiều tỉnh khác. Tôi mạnh dạn cải tạo đất, từ năm 2014 trồng 650 gốc mãng cầu dai. Hơn ba năm là đã cho thu. Kết quả thật bất ngờ. Cứ mỗi năm tôi thu về 11 tấn, đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm”.
Đã thành quen, cứ đến mùa là thương lái đến tận vườn, thu mua mãng cầu dai của ông Ất với giá 30.000 đồng/kg. “Rất mừng khi thổ nhưỡng, khí hậu ở đây phù hợp với loại cây ăn quả này. Cây mãng cầu phát triển tốt và thêm nữa là việc chăm sóc loại cây này cũng dễ.
Ngoài việc bổ sung phân bón, nước tưới thì cần phải tỉa cành và vặt lá đúng thời điểm để cây có thể ra hoa, đậu quả. Trước khi mãng cầu ra hoa mình phải vặt lá trước một tháng. Việc vặt lá thay vì phun thuốc để cây rụng lá sẽ an toàn hơn và tránh được nhiều loại bệnh như bọ trĩ, sâu đục quả”, ông Ất chia sẻ.
Cây mãng cầu phủ xanh đất cằn1
Ngoài hộ ông Ất, hộ ông Nguyễn Văn Lợ ở xã Yang Trung chỉ trồng 6 sào mãng cầu nhưng mỗi năm ông cũng có thu thập trên 100 triệu đồng. Nối tiếp thành công, nhiều hộ nông dân ở Kon Chro mạnh dạn chuyển sang trồng mãng cầu khi nguồn cung luôn không đủ cầu. Riêng ông Ất từ thành công vài năm qua đã trồng thêm 500 gốc mãng cầu; đồng thời biết tỉa cành, vặt lá… để mãng cầu có thể thu hoạch trái vụ. Ông Ất khoe có 500 gốc mãng cầu sẽ cho quả bán đúng dịp Tết Nguyên đán để cho thu nhập cao hơn.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Kon Chro, nói: “Nhiều người dân đang mở rộng diện tích đối với các loại cây ăn quả. Bước đầu cho thấy việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả khá hiệu quả, bởi thổ nhưỡng ở đây cũng khá phù hợp với những loại cây này. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với trạm khuyến nông, chính quyền các xã, thị trấn để mở những lớp tập huấn về cây trồng, giúp định hướng nhiều mô hình cây ăn trái mang lại hiệu quả cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.