Hòa thượng Thạch Sươl (65 tuổi, Trụ trì đời thứ 16 chùa Cham Pa) cho biết, theo sử sách ghi lại thì từ đời trụ trì chùa đời thứ nhất, cây me này đã lớn. Nhờ sự chăm sóc, bảo quản của nhà chùa và bà con nên đến nay, cây me vẫn xanh tốt, to chắc và cho trái xum xuê.
Theo quan sát của chúng tôi, cây me 700 tuổi này có 5 nhánh lớn, mỗi nhánh cây tương đương thân cây ăn trái thông thường. Thân cây cao thẳng đứng khoảng 30 mét (phần thân to từ gốc lên 10m, sau đó mới cho 5 nhánh lớn phủ xung quanh). Đường kính gốc me 5 người ôm không xuể. Theo người dân ở địa phương, mỗi năm cây me này ra trái một lần. Trái me không lớn, vị rất chua, sản lượng ước khoảng 400 – 500/kg. Hòa thượng Thạch Sươl cho biết, nhờ có cây me cổ thụ nên khu vực này suốt ngày đông vui do bọn trẻ thường đến đây vui chơi và hái trái me ăn. Cả trăm hộ dân sống gần mỗi khi cần me nấu canh chua hoặc kho cá…thì cứ chạy thẳng đến đây mà hái. Còn khi me chín, người đến hái mang về bóc vỏ để dành ăn cho đến mùa ra trái năm sau.
Ông Trần Văn Hải, một người dân cố cựu ở đây cho biết từ xưa, cây me cổ thụ này đã trở thành “biểu tượng” của xứ này. Do vậy, đối với những người dân Phú Tâm xa quê, hình ảnh gợi nhớ quê nhà nhất chính là cây me cổ thụ.
|
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)