ƠN SÂU, NGHĨA NẶNG…
Nhắc đến cây me cổ thụ trước Điện thờ Tây Sơn, những cụ già ở làng Kiên Mỹ thường ngâm nga hai câu ca dao: "Cây me, giếng nước, sân đình/Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi", hay "Cây me cũ, bến trầu xưa/Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm".
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết cây me, giếng nước, sân đình, bến trầu trong hai câu ca dao được lưu truyền đều liên quan đến những giai thoại về 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Theo các tài liệu của Bảo tàng Quang Trung, tổ tiên 4 đời của 3 anh em nhà Tây Sơn người họ Hồ ở xứ Nghệ, bị chúa Nguyễn đưa đến khai phá tại vùng đất cao nguyên từ thế kỷ 17, lấy tên vùng đất mới là ấp Tây Sơn (nay thuộc TX.An Khê, Gia Lai). Đến đời ông Hồ Phi Phúc theo nghiệp buôn trầu trên sông Kôn và dời xuống sống tại quê vợ ở làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, H.Tây Sơn). Về sau, ông Phúc chuyển đến định cư tại làng Kiên Mỹ, gần bến Trường Trầu trên sông Kôn để thuận lợi cho việc buôn bán.
Tương truyền, trong sân nhà ở làng Kiên Mỹ, ông Hồ Phi Phúc trồng một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải. Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (mang họ mẹ) lần lượt chào đời trong ngôi nhà này. Thời niên thiếu, ngày ngày 3 anh em luyện võ dưới tán me, lúc khát lại ra giếng múc nước uống…
Lớn lên, người anh cả Nguyễn Nhạc nối nghiệp cha buôn trầu dọc sông Kôn nên có điều kiện kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt trong vùng. Bến Trường Trầu là nơi gặp mặt, giao lưu, trao đổi tin tức của anh em nhà Tây Sơn với bạn bè trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Và dưới gốc me, anh em nhà Tây Sơn cùng các hào kiệt bàn bạc, hoạch định chuyện dựng cờ khởi nghĩa…
Theo ông Châu Kinh Tú, sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn đàn áp những người theo nhà Tây Sơn, tàn phá tất cả những di tích của triều đại này để lại. Tuy nhiên, người dân Kiên Mỹ vẫn một lòng sùng kính những anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1823), dân làng Kiên Mỹ góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, gọi là đình Kiên Mỹ. Cây me, giếng nước trong vườn nhà Tây Sơn vẫn được người dân chăm chút, bảo vệ. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 11 âm lịch, trong dịp lễ thường tân (tết cơm mới), dân làng tổ chức hiệp kỵ ba anh em nhà Tây Sơn nhưng thường chỉ cúng hương hoa và mật cáo chứ không có văn tế.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình Kiên Mỹ bị đốt cháy, người dân lập miếu nhỏ thờ anh em nhà Tây Sơn dưới gốc me. Đến năm 1958, người dân H.Tây Sơn lại góp công, góp của xây dựng lại đình Kiên Mỹ ngay trên nền nhà cũ và lấy tên là Tây Sơn Điện. Từ đó, việc thờ cúng anh em nhà Tây Sơn và lễ kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa được tổ chức công khai.
TRƯỜNG TỒN TRONG LÒNG DÂN
Theo cụ Nguyễn Đồng Chi (80 tuổi, ở làng Kiên Mỹ), Phó ban Nghi lễ làng Kiên Mỹ, cây me, giếng nước trong vườn nhà ông Hồ Phi Phúc đã đi vào tâm thức người dân với lòng tri ân nhà Tây Sơn sâu nặng. Khi đình Kiên Mỹ mới thành lập, người dân trong làng đã thành lập ban nghi lễ để lo việc thờ cúng nhà Tây Sơn. Chánh bái và phó chánh bái của ban nghi lễ được hội đồng bô lão làng Kiên Mỹ lựa chọn trong số những người có học vấn, đức độ để đại diện cho nhân dân cúng tế ở đình.
"Khi chiến tranh, người dân Kiên Mỹ đến gốc me tránh bom đạn, cầu mong anh linh Tây Sơn tam kiệt che chở. Tất cả đều an toàn, không tên lính nào chĩa súng bắn vào khu vực điện thờ. Ngoài giá trị cây lâu năm, cây me trong vườn nhà Tây Sơn còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào nông dân Tây Sơn trong lòng người dân", cụ Chi nói.
Ông Châu Kinh Tú cho biết Điện thờ Tây Sơn được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cấp bằng công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Năm 2011, cây me trước Điện thờ Tây Sơn được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN trao bằng công nhận là Cây di sản VN. Hiện cây me cao khoảng 28 m, đường kính thân 1,2 m. Trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung còn rất nhiều cây me khác được nhân giống từ cây me cổ thụ này. Hằng năm, Bảo tàng Quang Trung đều cắt tỉa nhành khô, bón phân, xử lý sâu bệnh, cắt tỉa quả để tránh cây bị suy kiệt. Đến nay, cây me cổ thụ vẫn sum suê cành lá, đến mùa ra trái trĩu cành.
Hằng năm, vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, hàng ngàn người dân các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên… lại tập trung về Bảo tàng Quang Trung trẩy hội mừng chiến thắng Đống Đa. Sau khi dâng hương trong Điện thờ Tây Sơn, nhiều người đến uống nước giếng Tây Sơn rồi ngồi dưới gốc me cổ thụ ngẫm nghĩ về một năm đã qua, lên kế hoạch cho năm mới với hy vọng bình an, sức khỏe, tài lộc dồi dào… (còn tiếp)
Bình luận (0)