Ngày 9.2, đồng bào các dân tộc thuộc các huyện miền núi Quảng Nam lần cuối đưa tiễn già Bríu Prăm về với Giàng. Thế là từ nay, người con trung kiên của núi rừng, niềm tự hào của người dân Cơ Tu đi xa mãi.
Nhưng cũng ở đó, trong dòng người đông nghẹt đưa tiễn ông, tôi còn nghe thấy bao nhiêu lời ngợi ca trong sự xót thương, bao nhiêu sự suy tôn về một con người đã hoá bóng cây lớn che chở đại ngàn.
Con chim không ở trên trời
Già Bríu Prăm sinh ngày 20.10.1931 tại xã Atiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam; về nghỉ hưu tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Ông là một trong những người con Cơ Tu được tiếp cận với thế hệ làm cách mạng đầu tiên của huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang và Tây Giang). Năm 18 tuổi, ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia làm liên lạc xã Ba Đun, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Đà.
|
Tháng 2.1960, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công làm Bí thư Thanh niên xã Ba Đun. Từ đó, lần lượt đảm trách các cương vị như Chủ tịch UBND huyện Tây Giang; Bí thư Huyện uỷ Tây Giang; Đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII; Đại biểu Hội đồng Dân tộc khoá II, III... Già Prăm luôn được xem là tấm gương sáng trong hoạt động cách mạng không mệt mỏi, tích cực đóng góp cho sự phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Một đời cống hiến như vậy, thế nên sự ra đi của ông quả là một mất mát lớn cho biết bao người. Dân làng yêu quý ví ông là cây lim, cây chò, cây pơ mu hùng vĩ. Những người làm công tác lãnh đạo xem ông là ngọn đuốc sáng chỉ hướng noi theo. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện uỷ Đông Giang - kể với tôi về một lời dạy mà ông nhớ mãi từ bậc tiền bối: “Cán bộ hiện nay nó giống như con chim, con sóc. Nó ở trên trời, nó ở trên cây; khi nào đói quá nó mới xuống đất kiếm ăn rồi lại bay lên trời, leo lên cây”.
Câu nói đó vừa là một nhận xét, vừa là một lời răn dạy mà già Prăm muốn truyền lại cho thế hệ lãnh đạo trẻ. Ở huyện Hiên này, già Prăm được xem là một người có uy tín nhất cũng bởi lẽ cái tư tưởng “con chim không ở trên trời” của ông.
Ông Alăng Din - nguyên Chủ tịch huyện Tây Giang giai đoạn 1962-1969 - nhớ lại: “Suốt từ những năm làm ở huyện đoàn rồi giữ cương vị chủ tịch huyện, ông Prăm luôn hoạt động với tinh thần đầy nhiệt huyết”.
Từ những việc nhỏ nhất như mâu thuẫn giữa các buôn làng, kiện tụng, đấu tranh chống kẻ xấu lợi dụng đồng bào thiểu số...; ông đều đích thân đến khuyên nhủ, vận động và giảng giải cho bà con. Trong công cuộc cứu nước, ông luôn hăng hái đi đầu. “Thậm chí lúc đó ông Prăm còn xung phong xin vào bộ đội chiến đấu, nhưng hoạt động dân vận, chính trị cần những người am hiểu văn hoá và có năng lực như ông nên ông phải ở lại” - già Din nhớ về người đồng chí cùng thời.
Sau này, khi đất nước giải phóng, là cây cầu nối giữa đồng bào Cơ Tu với Đảng, Nhà nước trong vai trò đại biểu Quốc hội; mong muốn lớn nhất của già Prăm là người dân mình luôn tin yêu theo Đảng, Bác Hồ. Ngược lại, người lãnh đạo sẽ hiểu được trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tập quán để chia sẻ và giúp đỡ bà con.
Tôi không may mắn được gặp già Prăm, nhưng khi được trò chuyện cùng những đồng chí cùng thời với ông như già Y Kôông, già Alăng Din thì cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, một mẫu mực của người Cơ Tu tiêu biểu lại hiện về một cách sống động đáng khâm phục. Với những người bạn già còn sống, với những bậc con cháu sau này, dù già Prăm mất đi nhưng họ vẫn thấy sự hiện diện của ông phảng phất đâu đó dưới những mái nhà gươl, trên những vạt rừng, trong những lễ hội truyền thống...
Mạch sống của núi rừng Cơ Tu
“Vì sao cây kiền kiền chở xuống đồng bằng thì dễ mà hạt muối chở lên núi thì khó thế - đó là một trong những trăn trở lúc sinh thời khiến anh Prăm luôn tìm cách để giúp đỡ người dân” - ông Nguyễn Bằng còn nhớ.
Năm 1995, ông Prăm được nghỉ hưu tại xã Sông Kôn. Ông tiếp tục tham gia công tác tại xã đến năm 2004, giữ các chức vụ: Trưởng ban Thương binh-Xã hội, Chủ tịch UBMTTQ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sông Kôn. Hoạt động ngay tại địa phương, được tiếp xúc gần gũi, người dân càng thêm cảm kích và mến yêu về một “già vùng” tận tụy và hết lòng vì người dân.
Ông luôn vận động và ý thức cho người dân: “Người Cơ Tu có rừng và phát triển nhờ rừng nên phải giữ được rừng và giữ được nguồn nước thì cuộc sống của đồng bào mới khá lên được”.
Cũng chính lẽ đó, từng con rẫy, từng cánh rừng luôn in dấu chân ông. Dự án 327, nay chuyển sang dự án 661 - dự án trồng rừng phòng hộ lẫn phát triển kinh tế - ở Sông Kôn là một ví dụ.
Chính tự ông vận động phát triển lại cây kiền kiền vốn đã bị khai thác quá nhiều ở trên vùng cao này. Ông còn vận động người dân phát triển cây mây để vừa phát triển tiểu thủ công, vừa giữ nguồn nước. Dù dự án chưa mấy thành công, nhưng ông đã phần nào có công trong việc đi đầu tìm hiểu và phát triển các loại giống cây phù hợp trên thổ nhưỡng này.
Khoảng năm 2008, dự án làng du lịch ở thôn Bhơ Hôồng 1 được khởi động. Đây là thành quả mà phải kể đến công sức của già Prăm rất nhiều. Là một người có sự am hiểu về văn hoá đồng bào Cơ Tu khá sâu sắc, ông đã kỳ công trong việc phục dựng lại các giá trị văn hoá, xây dựng nhà gươl lớn nhất Sông Kôn.
Bây giờ, người dân Bhơ Hôồng không khỏi tự hào khi đã có những tuyến du lịch ghé bản. Đi qua cây cầu treo vắt qua con suối Mơ Tua, người ta sẽ thấy lại những mái nhà sàn đặc trưng của người Cơ Tu, những lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới đầy bản sắc.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - một người dân trong thôn - chia sẻ: “Trước đây, người dân chỉ sống nhờ rừng nhờ rẫy thì nay đã biết làm thêm du lịch, phát triển thủ công mỹ nghệ. Đó là một điều rất đáng tự hào”. Những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề rèn, đan tàléc (một loại giỏ đựng đồ dùng của người Cơ Tu, chức năng tương tự gùi) trước nay dần mai một, nhưng nhờ sự cố gắng của già Prăm, nó đang dần phục hồi và phát triển.
Anh bạn tôi - Alăng Ngước, một người sống cùng thôn này - tự hào: “Già làng Bríu Prăm là một “từ điển sống” về văn hoá Cơ Tu, đưa ra nhiều ý kiến hay, cung cấp nguồn tư liệu cho hoạt động bảo tồn văn hoá truyền thống”.
Năm 2010, với uy tín của mình, già Bríu Prăm đã xây dựng được mô hình “tộc họ hiếu học” đầu tiên của đồng bào Cơ Tu, là mô hình điểm để xây dựng, nhân rộng truyền thống hiếu học của người Cơ Tu trên địa bàn Đông Giang, Tây Giang. “Tiếc là không được tiếp chuyện nhiều với già, chứ nếu được ghi lại những giá trị văn hoá, những câu chuyện, truyền thuyết về người Cơ Tu mà ông còn lưu nhớ thì quả là một kho tàng vô giá” - anh bạn tiếc nuối.
Hiếm có ai ở dọc rẻo cao này lại có uy tín lớn như già Prăm. Ông được người ta xem là “già vùng”, là già làng của cả vùng núi phía tây Quảng Nam. Cái uy tín đó không chỉ hình thành từ tri thức, năng lực lãnh đạo mà còn từ lối sống thường ngày tưởng chừng rất nhỏ.
Ông Bríu Sơn - Chủ tịch xã Sông Kôn - hồi tưởng: “Ngày thường, cuộc sống của già rất giản dị, già luôn cố gắng để giúp đỡ người dân, quan tâm đến các thế hệ lãnh đạo để cùng họ đưa quê hương phát triển”. Người dân còn nhớ, trước lúc về với Giàng, già đã cho mổ trâu chia cho dân bản thay vì mổ để cúng sau khi mất như tập tục. Chỉ một hành động đó thôi cũng đủ cho mọi người thêm hiểu và ý thức cùng già đưa cuộc sống ở vùng cao này ngày càng thêm văn minh.
Xin thắp một nén nhang tiễn biệt ông - “cây pơ mu” che bóng của núi rừng xứ Quảng!
Theo Lao Động
Bình luận (0)