Cây xanh thành hiểm họa

08/07/2013 03:00 GMT+7

Nhiều cây xanh trên đường phố Hà Nội đang chết mòn do tác động của con người, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tình trạng này đang khiến không ít người dân lo ngại, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Cây xanh thành hiểm họa

Hàng loạt cây xanh bị bật gốc trong cơn bão số 5 năm 2012 - Ảnh: Hà An

8 giờ 35 ngày 24.6, khi đang đi trên đường Ngô Gia Tự (Q.Long Biên, TP.Hà Nội), chị M.N bị một cây long não trồng trên vỉa hè đổ lên người, khiến chị này ngã bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, chị phải cắt bỏ toàn bộ lá lách, nẹp xương đòn bị gãy. Hiện chị M.N đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Chiều cùng ngày, cây xà cừ cổ thụ trên phố Trần Bình Trọng (đối diện Nhà văn hóa Học sinh sinh viên) bất ngờ trốc gốc, kéo theo một mớ dây điện, cột điện rồi đổ ập xuống làm sập mái nhà chờ xe buýt bên cạnh, rất may không có thương vong.

Ngày 17.8.2012, chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 5 Hà Nội có 160 cây xanh đổ, gãy cành, làm nhiều ngôi nhà, hàng chục xe máy bị hư hỏng. Đau lòng hơn cả, cây xà cừ trước nhà số 97 Lò Đúc đổ xuống chiếc taxi Mai Linh khiến tài xế tử vong tại chỗ...

Không phải ngẫu nhiên các cây xanh trên dễ dàng bị đổ gục mà do những tác động có chủ ý từ chính con người.

Hạ sát cổ thụ bằng xi măng, dầu hỏa...

Dễ dàng nhận thấy tại Hà Nội, quanh các gốc cây xà cừ, sấu cổ thụ, sao đen... đều được trát một lớp xi măng dày cộp, hoặc lát gạch kín mít, không còn khoảng hở để rễ cây hấp thụ ô xy và chất dinh dưỡng. Nhiều gia đình còn kê cả bếp dầu, bếp than ngay dưới các gốc cây để nấu nướng, dầu mỡ thừa, nước rửa bát đều xối thẳng vào gốc cây trên hè, thậm chí có nhà còn hắt dầu thải, xỉ than còn nóng, nước sôi... vào gốc cây.

Ông Phùng Quang Chính, Ủy viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết cây xanh trên khắp 29 quận, huyện ở Hà Nội đang gặp vấn đề về “sức khỏe”. Phổ biến nhất là tình trạng bộ rễ “ăn” nổi lên mặt đất, khiến thân cây không còn đủ sức chống chọi với gió, bão và có thể bị hạ gục một cách dễ dàng. Theo lời ông Chính, quá ngột ngạt với sự chèn ép của bê tông hóa vỉa hè, hàng loạt cây cổ thụ trên đường phố Hà Nội phải mọc thêm các rễ trồi lên mặt đất. Tuy nhiên, phần chồi thêm này không được yên ổn khi người dân thường xuyên dùng dao, cưa để cưa cụt. Vẫn theo ông Chính, những ống dẫn nước điều hòa, ống nước mưa vào các gốc cây khiến nhiều cây xanh có thể thối rễ mà chết.

Qua khảo sát thực tế, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 45.000 cây xanh trên các tuyến phố chính. Trong đó có hàng loạt cây đang bị “bức tử”, chết dần, nhiều cây đã chết cũng chưa được đốn bỏ, trở thành những cái bẫy lơ lửng trên không. Khủng khiếp nhất là dãy sao đen trên phố Lò Đúc. Từ số nhà 21 - 71 Lò Đúc, chúng tôi đếm có 4 cây sao đen cao gần 20 m, thẳng tắp nhưng đã chết khô, trụi hết lá. Còn cây đa cổ thụ trên đường Điện Biên Phủ (đối diện Cột cờ Hà Nội) mục ruỗng hết thân, không biết sẽ đổ  gục khi nào. Cây xà cừ cao hàng chục mét, hai người ôm mới xuể trước số nhà 83 Lý Nam Đế cũng đã trơ trụi lá từ lâu mà chưa được ai xử lý, khiến người dân bất an khi đi qua đây mỗi ngày mưa to, gió lớn.

Hà An - Thúy Hằng

>> Cây đổ, cả phố mất điện
>> Cây đổ, 7 du khách nước ngoài gặp nạn
>> TP.HCM: Cây đổ hàng loạt vì gió lốc
>> Hà Nội: Ngổn ngang cây đổ sau mưa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.