Theo BGR, sự cố cập nhật phần mềm của CrowdStrike gây ra lỗi trên 8,5 triệu thiết bị Windows trên toàn cầu vừa qua không phải là trải nghiệm tồi tệ lần đầu tiên của CEO George Kurtz liên quan đến bản cập nhật.
Theo đó, vào năm 2010, khi còn là CTO của McAfee, ông cũng từng liên quan đến một sự cố tương tự khiến hàng loạt máy tính Windows bị sập do lỗi cập nhật phần mềm của chương trình bảo mật McAfee. Thời điểm đó, ông đã trở thành một nhân vật gây ra nhiều sự chú ý.
Sự trùng hợp này đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực quản lý và quy trình kiểm soát chất lượng của CrowdStrike. Một số nhân viên hiện tại và đã nghỉ việc của công ty cũng lên tiếng trên dịch vụ tìm kiếm việc làm Glassdoor, với cáo buộc môi trường làm việc mang tính độc hại và áp lực KPI quá lớn.
Trong khi đó, George Kurtz đã lên tiếng xin lỗi về sự cố và khẳng định CrowdStrike đang nỗ lực khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, sự việc này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới, đồng thời làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy của các giải pháp an ninh mạng.
Sự cố máy tính toàn cầu ảnh hưởng không thể đo đếm
Giới chuyên gia cho rằng sự cố lần này là một lời cảnh tỉnh cho các công ty công nghệ về tầm quan trọng của việc kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phát hành các bản cập nhật phần mềm, đặc biệt là những phần mềm có ảnh hưởng lớn đến hệ thống của người dùng.
Bình luận (0)