CEO DataFi: ‘Chú trọng dữ liệu người dùng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động’

13/05/2023 09:00 GMT+7

Khi việc áp dụng blockchain vào vận hành kinh doanh trở nên phổ biến, doanh nghiệp sẽ cần đến các phương pháp phân tích dữ liệu chuyên môn hơn để gia tăng hiệu quả hoạt động, nắm bắt tâm lý khách hàng. Là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu lưu trữ trên blockchain, DataFi sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán này.

Theo cách hiểu truyền thống, phân tích dữ liệu là quá trình kiểm tra, chuyển đổi và mô hình hóa dữ liệu để phục vụ hoạt động doanh nghiệp. Từ các dữ liệu thô ban đầu, nhiệm vụ của các nhà phân tích là trực quan hóa và đưa ra kết quả có ý nghĩa, nhờ đó giúp doanh nghiệp dự đoán về xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng, nắm được thông tin bao quát toàn ngành. Đến lượt các nhà lãnh đạo sẽ dựa trên dữ liệu này nhằm hoạch định chiến lược chính xác hơn, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là giúp doanh nghiệp tăng năng suất, lợi nhuận.

CEO DataFi: ‘Chú trọng dữ liệu người dùng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động’ - Ảnh 1.

Phân tích dữ liệu là quá trình kiểm tra, chuyển đổi và mô hình hóa dữ liệu để phục vụ hoạt động doanh nghiệp

Thế nhưng, khi công nghệ blockchain ra đời đã làm thay đổi cách tiếp cận của thị trường tài chính truyền thống. Với vai trò là sổ cái ghi dữ liệu theo cách phi tập trung, blockchain giúp mọi người tham gia mạng lưới đều có quyền truy cập vào dữ liệu - cụ thể là bản ghi các giao dịch, dòng tiền và tương tác giữa các thực thể. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn và quản lý rủi ro một cách chủ động theo thời gian thực.

Nhưng làm cách nào để giải mã khối lượng dữ liệu khổng lồ trên blockchain thành các con số biết nói, những kết quả đắt giá vẫn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp không có đội ngũ chuyên môn về blockchain.

Trong bối cảnh nhu cầu về phân tích dữ liệu ngày càng tăng khi blockchain được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, ông Hoàng Danh Dũng - Nhà sáng lập công ty DataFi với đội ngũ chuyên môn của mình đã quyết định thâm nhập vào thị trường nghiên cứu dữ liệu on-chain (tạm dịch: trên blockchain). Ông Dũng giải thích: "Nghiên cứu dữ liệu on-chain là phương pháp trích xuất, diễn giải thông tin từ sổ cái blockchain để xác định tâm lý thị trường, theo dõi dòng tiền, cũng như xác định các nguy cơ bảo mật tiềm ẩn. Chú trọng dữ liệu người dùng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, hiểu được tâm lý khách hàng và quản trị rủi ro tốt hơn".

Nắm bắt hành vi, tâm lý khách hàng

Việc phân tích dữ liệu on-chain giúp doanh nghiệp nắm bắt hành vi, tâm lý khách hàng hiệu quả. Khi mọi dữ liệu được công khai minh bạch thì việc thống kê mô tả những dữ liệu đó sẽ giúp ta nắm được nhiều thông tin như: Người dùng (user) đang nắm giữ tài sản nào (qua đó hiểu tâm lý sợ rủi ro mức thấp hay cao)? Đối với một xu hướng, nhóm người dùng nào đã nắm bắt cơ hội từ sớm và họ đang giữ tài sản đó hay đã bán ra? Tài sản nào đang thu hút được sự quan tâm của một nhóm đối tượng nhất định và thu hút ở mức độ nào? Nhóm đối tượng nào có lợi nhuận cao và chiến lược của họ là gì để đạt điều đó?...

Với những dữ liệu như vậy, khi đối chiếu với lịch sử và lập luận với một số yếu tố khác của thị trường, doanh nghiệp sẽ thấu hiểu hơn tâm lý, hành vi của khách hàng và điều chỉnh dịch vụ, chiến lược hành động cho phù hợp.

Cải thiện khả năng quản trị rủi ro

Ở khía cạnh quản trị rủi ro, phân tích dữ liệu on-chain cũng sẽ giúp doanh nghiệp ứng dụng blockchain kiểm soát những sai phạm, phát hiện rủi ro kịp thời. Ông Phạm Quang Minh - Giám đốc công nghệ (CTO) - Đồng sáng lập DataFi cho biết: "Ngay từ khi chưa phân tích on-chain data, mà chỉ cần kiểm tra hợp đồng (smart contract) của dự án cũng đã giúp doanh nghiệp đánh giá rủi ro bằng cách: xem các điều khoản có gây bất lợi cho người dùng không, có cơ chế nào vi phạm quy định pháp lý không. Nếu nội dung hợp đồng bị thay đổi so với thỏa thuận ban đầu thì một cuộc điều tra công nghệ cũng có thể lấy được bằng chứng".

CEO DataFi: ‘Chú trọng dữ liệu người dùng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động’ - Ảnh 2.

Blockchain mang đến sự minh bạch dữ liệu, từ đó giúp doanh nghiệp phát hiện rủi ro kịp thời

Theo ông Minh, phân tích on-chain hỗ trợ rất đắc lực cho việc điều tra sai phạm của dự án cũng như nắm bắt rủi ro kịp thời trong quá trình tìm hiểu, theo dõi dự án. Ví dụ, khi một dự án cam kết với khách hàng rằng: họ sẽ sử dụng vốn của nhà đầu tư để làm ngân sách phát triển dự án ABC, nhưng thực tế họ lại dùng cho mục đích khác.

Lúc này, ưu điểm của phân tích dữ liệu on-chain phát huy tác dụng, vì blockchain đã ghi lại lịch sử mọi giao dịch từ lúc khách hàng chuyển tiền vào cho dự án (vào ví chứa ngân sách), cho tới khi dự án chuyển tiền trong ví ngân sách đi các địa chỉ khác. Nói cách khác, blockchain cung cấp bằng chứng xác đáng mà ở thị trường tài chính truyền thống gần như không nắm bắt được kịp thời, dẫn đến việc không kiểm soát được những sai phạm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.