Theo CNBC, Reed Hastings nói rằng nhiều năm trước, chính phủ Trung Quốc đã không chấp thuận Netflix có mặt ở đại lục và dịch vụ xem video trực tuyến này cũng đã không đầu tư nhiều thời gian cho thị trường đông dân nhất thế giới.
Hastings chỉ ra rằng vẫn còn quá nhiều cơ hội cho Netflix ở phần còn lại của châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và trên khắp châu Âu, thậm chí khu vực Mỹ Latin.
Những người đăng ký dịch vụ quốc tế là chìa khóa cho chiến lược tăng trưởng của Netflix. Tính đến năm 2014, Netflix đã hiện diện ở hơn 40 quốc gia. Giờ đây, con số đó đã là 190 - nhưng vẫn chưa có Trung Quốc.
Hastings chẳng hề hào hứng về mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông phát biểu: “Chúng tôi không thể làm gì để thay đổi điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào việc phục vụ nhu cầu giải trí của mọi người”.
Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được xem là thị trường quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ, tiêu biểu là Apple. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng tăng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã khiến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian qua.
Trong báo cáo thu nhập tháng 7 năm nay, Netflix bắt đầu xem TikTok là đối thủ cạnh tranh. Tổng thống Trump đã và đang đưa ra động thái hạn chế sự có mặt của TikTok ở Mỹ. TikTok phủ nhận thông tin họ gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho người dùng ở Mỹ.
Bình luận (0)