Trong buổi thảo luận với các nhà đầu tư, CEO Jack Dorsey thổ lộ tầm nhìn về cách vận hành mạng xã hội phi tập trung, cũng như lý do tại sao Twitter muốn tạo một mạng lưới nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính công ty. Người dùng có thể thiết lập nội dung mình muốn xem bằng cách tự chọn thuật toán đề xuất thay vì để công ty đứng sau mạng xã hội kiểm soát.
Jack Dorsey cho biết Twitter rất mong muốn được tạo ra các tính năng giúp người dùng lựa chọn những gì họ muốn nhìn thấy. Ông chia sẻ: "Bạn có thể tưởng tượng các thuật toán đề xuất sẽ được trình diện như một cửa hàng ứng dụng, cho phép mọi người linh hoạt lựa chọn bài đăng nào sẽ hiện ra trước mắt họ".
Như vậy, Twitter vừa có thể tạo ra các thuật toán xếp hạng nội dung để mọi người tự thiết lập, vừa xây dựng một "thị trường" có nhiều giải pháp. Jack Dorsey khẳng định việc cho người dùng nhiều lựa chọn hơn trên mạng xã hội không chỉ hỗ trợ kinh doanh mà còn thu hút thêm thành viên mới đến với Twitter.
Theo Jack Dorsey, phi tập trung hóa là cách giải quyết một số vấn đề xung quanh Điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, luật này bảo vệ các công ty truyền thông xã hội khỏi bị kiện vì bài đăng của người dùng. Điều 230 gần đây đang bị một số nhà lập pháp chỉ trích. Trong trường hợp chính quyền quyết định thắt chặt luật, đẩy mạnh kiểm duyệt, việc thành lập một mạng lưới phi tập trung có thể giúp Twitter tránh khỏi những vấn đề rắc rối và tiếp cận các nội dung hiển thị trên nền tảng theo cách trung lập hơn.
Là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, Twitter thường xuyên bị cuốn vào những lùm xùm liên quan đến quyền tự do ngôn luận. Đầu năm nay, Twitter gây tranh cãi vì ban hành lệnh đình chỉ tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump, xóa hàng loạt bài đăng chính trị nhưng lại không mạnh tay với nội dung khiêu dâm hoặc bôi nhọ danh dự người khác. Ngoài vụ ông Trump, Twitter cũng có tiền sử cấm cửa tài khoản của hàng loạt chính khách Mỹ.
Bình luận (0)