Doanh thu 100 triệu USD trong năm 2015 của điện ảnh Việt có sự đóng góp vô cùng quan trọng của CJ CGV Việt Nam.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Dong Won Kwak - Tổng giám đốc CJ CGV Việt Nam về thị trường và chính sách phát triển của CGV tại Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp điện ảnh phát triển nhất tại Việt Nam, CGV có chiến lược đầu tư như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi tập trung vào 3 mảng đầu tư chính sau: 1) Đầu tư cơ sở hạ tầng mang tiêu chuẩn quốc tế; 2) Đầu tư vào việc đa dạng hóa các thể loại phim; 3) Đầu tư vào nhân lực liên quan tới nội dung phim và vận hành rạp. Hiện tại, CGV đầu tư trên diện rộng ở khắp các tỉnh thành, kể cả các khu vực có khả năng thu hồi vốn thấp.
Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã đầu tư nhiều hơn gấp 4 - 5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện nay, chúng tôi đã đầu tư hơn 120 triệu USD vào việc xây dựng hơn 210 phòng chiếu tại 11 tỉnh thành. Ngoài các số liệu kể trên, CGV còn đầu tư thêm rất nhiều kinh phí vào việc phát triển nhân lực cũng như đa dạng hóa các thể loại phim.
Bên cạnh các công nghệ hiện có như: IMAX, Dolby Atmos, 4DX… vào ngày 1.7.2016, chúng tôi sẽ khai trương cụm rạp CGV Aeon Mall Bình Tân với phòng chiếu Starium Laser đầu tiên tại Việt Nam, được trang bị màn chiếu với kích thước cực đại sẽ hỗ trợ trình chiếu các phim chất lượng cao của Hollywood và phim Việt Nam.
Vì sao CGV lại đầu tư xây rạp ở những khu vực tỉnh thành xa?
Việc xây dựng rạp ở những tỉnh xa là một quyết định mạo hiểm, tới nay chỉ có CGV dám đầu tư vì việc thu hồi vốn kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động trọng tâm của CGV nhằm góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam. Thị hiếu của khán giả ở những khu vực này đa số là thích phim Việt. Do vậy, càng nhiều rạp được xây dựng ở đây thì sẽ giới thiệu được nhiều phim Việt tới khán giả. Tới thời điểm này, CGV đã xây dựng được 14 rạp ở các tỉnh như: Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ninh…
Vừa qua, một số doanh nghiệp điện ảnh gửi thư khiếu nại là CGV dùng vị trí thống lĩnh thị trường chèn ép phim Việt, có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
CGV luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định về việc phát hành và chiếu phim theo luật pháp Việt Nam cũng như luôn đồng hành cùng sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Thực tế, vụ việc thư khiếu nại này đã khá rõ ràng. Vào ngày 3.6.2016, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương đã có công văn xác định: 8 doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng theo thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh, các thông tin nêu trong đơn chưa rõ ràng, đầy đủ và chưa có các bằng chứng kèm theo.
Chúng tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các doanh nghiệp Việt nên dành nguồn lực của mình để đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đa dạng hóa chất lượng và thể loại phim, phát triển tài năng trẻ… để đóng góp chung cho thị trường điện ảnh Việt Nam.
Cụ thể, CGV đã và đang đồng hành cùng phim Việt như thế nào?
Chúng tôi luôn ưu tiên và dành các suất chiếu tốt nhất cho phim Việt Nam. Điển hình như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chiếu liên tục đến 81 ngày, tổng số suất chiếu là 7.683; phim 49 ngày là 89 ngày với 8.775 suất. Quyên - bộ phim không có doanh thu cao cũng được chiếu trong 27 ngày với số suất chiếu là 833 suất...
Một số hệ thống rạp khác từng từ chối phim Việt Nam không có giá trị thương mại như phim lịch sử, chính trị, nghệ thuật, phim tài liệu… Trong khi chúng tôi đã xây dựng hai phòng chiếu CGV Art House để chiếu loại phim này như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đập cánh giữa không trung, Những đứa con của làng, Người trở về...
Chúng tôi cũng đã đồng hành cùng Cục Điện ảnh tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Phim Việt Nam. CGV cũng là doanh nghiệp giải trí đầu tiên tổ chức sự kiện Liên hoan Phim Việt Nam tại Hàn Quốc vào năm 2014. Mới nhất, chúng tôi vừa tổ chức thành công
Tuần lễ phim Việt, dành khoảng 55 - 60% công suất màn hình để chiếu phim Việt.
Bình luận (0)