Cha con 'người rừng' bây giờ ra sao? - Kỳ 1: Đi rẫy giỏi nhưng rất sợ… trâu

11/08/2014 11:30 GMT+7

(TNO) Cứ chiều đến, từng cơn mưa rừng lại rả rích trên những ngọn đồi vùng cao ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đó, 'người rừng' Hồ Văn Lang vẫn đang ngày ngày vác từng bó mây từ cánh rừng già về bán để cải thiện thêm cho bữa ăn gia đình.

(TNO) Cứ chiều đến, từng cơn mưa rừng lại rả rích trên những ngọn đồi vùng cao ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đó, 'người rừng' Hồ Văn Lang vẫn đang ngày ngày vác từng bó mây từ cánh rừng già về bán để cải thiện thêm cho bữa ăn gia đình.

>> Bí ẩn cha con “người rừng”
>> Cha con 'người rừng' đã sống 40 năm qua như thế nào ?
>> Ly kỳ chuyện giải cứu 2 'người rừng' sau... 40 năm

Chiến lợi phẩm của “người rừng” con sau một ngày đi rừng cùng đám trai làng
Chiến lợi phẩm của “người rừng” con sau một ngày đi rừng cùng đám trai làng 

Chúng tôi ghé thăm căn nhà của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (con của Hồ Văn Thanh) vào một buổi chiều mờ ảo trong làn sương trắng buốt sau cơn mưa rừng. Trong căn nhà cấp 4 được các đoàn thể, tổ chức xây tặng, “người rừng” Hồ Văn Thanh đang ngồi co ro trên chiếc giường xem ti vi… vì đứa con gắn bó trong rừng hơn 40 năm của mình, anh Hồ Văn Lang, cùng đám trai làng đi rẫy từ sáng sớm.

Đi rẫy giỏi nhưng ngại xuống ruộng vì sợ... trâu

Không có được thể trạng tốt như mấy trai làng khác, thế nhưng anh Hồ Văn Lang, có lẽ vì phải sống một quãng thời gian dài trong rừng nên bản năng thích nghi với môi trường rừng núi đã ăn sâu vào trong máu thịt. Thoăn thoắt trong từng bước chân khi vác trên vai bó mây rừng, chính xác trong từng nhát dao bổ vào miếng lợn rừng đã được hun khói. Điều đó phần nào chứng minh cho lời kể của anh Hồ Văn Tri (em trai anh Hồ Văn Lang): “Anh Lang đi rừng giỏi lắm, tuy chưa quen lắm với công việc nương rẫy của bà con, thế nhưng giờ anh có thể đi núi tỉa lúa, ngô, chặt củi, chặt lồ ô (một loại cây thuộc họ tre theo cách gọi của người dân nơi đây)… như bao trai tráng khác trong làng”.

Anh Tri ra vẻ mãn nguyện khi anh trai mình đã trở thành người tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đỡ bớt gánh nặng, khi mà “người rừng” Hồ Văn Thanh tuổi đã lớn, không lao động được, mà những trận đau ốm lại triền miên.

Cân bán cho thương lái để có con cá, miếng thịt cho buổi chiều
Cân bán cho thương lái để có con cá, miếng thịt cho buổi chiều

Đặc biệt, “người rừng” Hồ Văn Lang chỉ thích đi núi, không dám xuống ruộng cày cấy, hỏi ra thì được anh Tri giải thích: “Anh ấy bảo xuống ruộng dơ lắm, chắc tại hồi trước chỉ làm ruộng trên đồi cao nên làm ruộng nước anh chưa quen”.

Nhìn con trâu được cấp lúc cha con “người rừng” mới được đưa về để sống chung với cộng đồng người Cor, mập mạp, béo tốt hẳn, chúng tôi đùa với chị Hồ Thị Nhung (vợ anh Tri), chắc anh Lang chăm sóc kỹ lưỡng lắm cho chú trâu non ngày nào thì chị Nhung liền cười xòa: “Anh Lang mà biết chăn trâu thì cho anh chăn từ lâu rồi, anh không dám lại gần nó, sợ nó cắn. Vì trước kia chỉ biết săn bắt thú rừng, giờ đột ngột gần gũi với trâu, bò nên anh Lang chưa quen, chắc cứ nghĩ nó là thú rừng nên còn sợ”. 

“Người Rừng” đã ngán rừng… và thích con gái chưa chồng

Khi được chúng tôi hỏi có còn thích ở trong rừng không, anh Hồ Văn Lang cười cười rồi lắc đầu, hỏi lý do thì được anh nói lí nhí trong miệng. Anh Lang chưa nói được tiếng Kinh, nên chúng tôi nhờ anh Tri “phiên dịch”: “Thôi, không thích sống trong rừng nữa đâu, ở ngoài này mình hái củi, chặt lồ ô… có người mua, còn trong rừng không ai mua hết. Không thích nữa”.

Bên bếp lửa hồng, hai cha con “người rừng” vẫn giữ thói quen sưởi ấm khi màn đêm buông xuống ở chốn vùng cao
Bên bếp lửa hồng, hai cha con “người rừng” vẫn giữ thói quen sưởi ấm khi màn đêm buông xuống
ở chốn vùng cao

Trong khi đó, ông Hồ Văn Thanh thì ít ra ngoài, anh Tri kể nhiều lúc dắt cha mình đi dạo quanh xóm làng nhưng ông nhất quyết không chịu, cứ ở mãi trong nhà. Những vật dụng từ lúc làm “người rừng” được ông cất gọn gàng ở đầu giường nơi mình ngủ - có lẽ đó là những ký ức không thể nào quên với cha con ông Thanh, vốn đã sống biền biệt hơn 40 năm trong rừng sâu.

Anh Hồ Văn Lang giờ đã biết tiền rất cần cho cái ăn, thế nhưng chưa biết giá trị của nó. Anh Tri kể vui: “Những lúc nhờ anh Lang đi mua cái gì là anh mua cho hết, bữa trước đưa anh 100.000 đồng đi mua 2 gói mì tôm, về nhà thì phát hoảng vì anh mua hết luôn 100.000 đồng. Làm tôi phải lật đật xuống đổi lại”.

Cũng theo anh Tri, anh Lang chưa biết để ý con gái, song không thích những người đã có con, chỉ thích những cô gái trẻ. Anh Tri cảm nhận được suy nghĩ về chuyện vợ con của anh trai Hồ Văn Lang trong những lúc anh em tâm sự.

Kết thúc một ngày sống chung với gia đình người rừng, chúng tôi qua đêm ở nhà một người quen để hôm sau cùng đi rẫy với “người rừng” Hồ Văn Lang… (Còn tiếp).

“Thoát rừng” một năm tròn

Cách đây tròn một năm, làng báo Việt "dậy sóng" khi lực lượng chức năng huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) giải cứu hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và con ruột ông Thanh là Hồ Văn Lang (41 tuổi, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà).

Vào năm 1971, sau khi căn nhà bị trúng bom trong chiến tranh làm 3 người thân trong gia đình chết, ông Thanh quá hoảng loạn nên bỏ làng, ôm con trai Hồ Văn Lang trốn biệt vào rừng sâu.

Để đề phòng thú dữ, cha con ông Thanh làm “nhà” giống như tổ chim treo trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất khoảng 6 m, để trú ngụ vào ban đêm. Họ còn dùng vỏ cây khô làm khố che thân, tự chế ra các vật dụng như rìu, dao và hằng ngày ăn củ mì, bắp và lá rừng.

Suốt 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, ông Thanh và anh Lang không biết nói tiếng Kinh mà chỉ nói đuợc một ít tiếng Cor.

Trong lúc lên rừng, người dân địa phương phát hiện hai “người rừng” nên báo với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm, đưa họ trở về nhà.

Bài, ảnh: Trác Rin

>> Hỗ trợ trâu giống cho cha con ‘người rừng’
>> Giúp cha con 'người rừng' xây nhà
>> Người rừng' con hòa nhập nhanh, ghiền... điện thoại di động
>> Cha con 'người rừng' đòi về... thăm rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.