Anh là Tống Phước Phúc, ở đường Phương Sài, TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 2001, anh Phúc đưa vợ đến bệnh viện hạ sinh đứa con đầu lòng. Tại đây, anh chứng kiến nhiều cô gái trẻ xếp hàng trước khoa sản chờ phá thai. Hình ảnh đó ám ảnh anh mãi, anh nghĩ không biết những sinh linh bé bỏng sẽ đi về đâu. Anh nảy sinh ý định xin những xác thai nhi về chôn cất để “linh hồn các bé bớt phần lạnh lẽo”. Đến nay, anh đã chôn cất hơn 10.000 sinh linh trên triền núi Hòn Thơm (xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang). Chính việc làm “không giống ai” này về sau khiến anh đi đến một quyết định đầy ý nghĩa.
|
Một thời gian âm thầm chôn cất xác thai nhi, anh Phúc trăn trở: “Công việc này dường như chỉ dừng lại ở việc lo hậu sự cho các sinh linh, chứ không thể cứu vớt được sự sống của các bé”. Vì thế, anh Phúc quyết định nhận nuôi dưỡng những bà mẹ lỡ lầm và những đứa trẻ bị bỏ rơi… Từ đó đến nay, mỗi khi gặp những trường hợp “bụng mang dạ chửa” trong cảnh éo le, anh Phúc lại sẵn sàng cưu mang. Vợ chồng anh đã đưa hàng chục bà mẹ lầm lỡ về nhà mình, chăm sóc tận tình như chị em trong nhà để mẹ tròn con vuông.
Khi mẹ đã khỏe, vì một lý do nào đó phải rời xa con mình, vợ chồng anh sẽ nuôi dưỡng bé cho đến khi họ có điều kiện nhận lại. Vì nhiều lý do, có những bà mẹ không đến tá túc tại nhà anh Phúc mà sau khi sinh đã đem con đặt trước cửa nhà anh rồi bỏ đi.
Hiện nay, anh Phúc đang nuôi dưỡng 19 cháu bé tại gia đình. Hơn 30 cháu khác được anh liên hệ với mái ấm Đại An (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng nuôi dưỡng. Những đứa trẻ đều được lấy họ của bố nuôi. Con trai, anh Phúc đặt tên Vinh, con gái đặt tên Tâm. Chỉ khác nhau tên lót. Anh Phúc nói, anh đặt tên lót các bé theo tên mẹ hoặc tên quê mẹ các bé để sau này, mẹ các bé quay lại sẽ tìm đúng con mình.
|
Những bé bị bỏ rơi thì anh đặt tên lót theo mùa hoặc theo nghĩa nào đó gắn liền với bé… Từ năm 2004 đến nay, vợ chồng anh Tống Phước Phúc đã cưu mang trên 100 đứa trẻ. Anh nói: “Tôi làm nghề thợ xây, vợ thì buôn bán nhỏ nên việc nuôi dưỡng các bé cũng gặp không ít khó khăn. Có những lúc phải chạy vạy vay mượn, ký nợ để mua sữa cho các bé. Về sau, thấu hiểu được việc làm của mình, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến thăm hỏi, giúp đỡ các cháu”.
Từng ấy thời gian âm thầm với công việc thiện nguyện, anh Phúc trải qua biết bao phút giây hạnh phúc, nghẹn ngào. Anh cho biết, mỗi lần các bé thơ được mẹ quay lại đón là một khoảnh khắc cảm động và khó quên. Như chuyện của D., đến tá túc tại nhà anh Phúc, sau khi sinh thì bỏ về. Một năm sau, cô quay lại tìm con. Mới đầu, đứa trẻ sợ sệt nhìn mẹ. Nhưng một lúc sau, cứ như có một sợi dây vô hình nào đó kéo hai mẹ con lại gần, ánh mắt đứa bé bỗng tươi tắn rồi sà vào lòng mẹ. Nhìn cảnh mẹ con đoàn tụ, anh rơi nước mắt. Anh cho biết: “Đến nay đã có hơn 50 cháu được mẹ quay lại đón về. Dù mình có nuôi dưỡng tốt bao nhiêu cũng không bằng tình mẫu tử, nên khi mẹ các cháu quay lại là mình vui lắm. Vui nhưng cũng nhớ các bé lắm, lâu lâu lại liên lạc hỏi thăm”.
Để có “tư cách pháp nhân” nhằm duy trì việc nhận và nuôi dưỡng những đứa con nuôi, anh Phúc vừa làm hồ sơ xin thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ lấy tên Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc và được chính quyền địa phương chấp nhận. Với anh, niềm vui và tự hào nhất hiện nay là anh đã nhận làm cha cho tất cả những đứa trẻ anh đã và đang nuôi dưỡng tại gia đình mình.
Nguyễn Chung
>> Nhức nhối nạn vứt bỏ con
>> Xét xử vụ đường dây “bán” trẻ sơ sinh ra nước ngoài: Đề nghị mức án cho các bị cáo cầm đầu
>> Truyện ngắn: Nụ cười hồn nhiên
>> Điều em muốn nói...
>> Nhận con nuôi
Bình luận (0)