'Cha đẻ' của cầu mây Việt Nam không còn nữa!

Quang Tuyến
Quang Tuyến
07/08/2024 19:22 GMT+7

Tin ông Hà Khả Luân, người đặt dấu ấn đầu tiên trong việc hình thành và phát triển của cầu mây Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 76 để lại nhiều tiếc thương cho giới thể thao và người hâm mộ.

Người khai phá mỏ vàng cho ASIAD

Năm 2006 tôi may mắn có mặt chứng kiến Việt Nam chơi bùng nổ ở nội dung cầu mây giành 2 huy chương vàng vô cùng xứng đáng tại Doha (Qatar). Khi đó nhiều người đã ca ngợi HLV Hà Tùng Lập và rất nhiều nữ VĐV, đặc biệt là người hùng Lưu Thị Thanh, nhưng có một nhân vật thầm lặng đứng phía sau lại là người mang đến thành công này. Đó chính là ông Hà Khả Luân, khi đó còn là Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội.

Ông ngồi lặng lẽ trên hàng ghế dành cho khán giả, bên cạnh là trưởng đoàn thể thao Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Hồng Minh. Cả 2 mắt ông nhòe đi trong xúc động và hạnh phúc khi thấy đứa con tinh thần của mình giành chiến tích vang dội. Trước đó ít người tin cầu mây sẽ thành công với 2 chiếc huy chương vàng, nhất là áp lực chiến thắng ở ASIAD đè nặng lên đoàn thể thao Việt Nam mỗi ngày khiến cho tâm trạng những người lãnh đạo đoàn đều trong trạng thái căng cứng. 

Thế nên khi ngôi vô địch giành được khi vượt qua Thái Lan và Myanmar thật sự như "cơn địa chấn" làm bùng nổ cả nhà thi đấu cầu mây ở Doha. Ông Hà Khả Luân đã được người con trai, HLV trưởng Hà Tùng Lập lao đến ôm chầm đầu tiên trước khi anh và cả đoàn chia vui cùng tập thể đội cầu mây nữ.

'Cha đẻ' của cầu mây Việt Nam không còn nữa! - Ảnh 1.

Ông Hà Khả Luân và con trai Hà Tùng Lập

Tư liệu

Ít ai biết được để có 2 chiếc huy chương vàng đó là cả biết bao mồ hôi công sức suốt gần 10 năm trời của ông Hà Khả Luân và cầu mây Hà Nội. Ông là người khai phá, là người tự tìm VĐV có tố chất phù hợp để đào tạo, lặn lội đi từ Bắc vào Nam để xem giò cẳng từng cầu thủ, xem ai có thể đáp ứng sự đào tạo gian khổ, lâu dài. Từ những vốn kiến thức ban đầu ít ỏi, chỉ là vài quyển luật và những bài tập cơ bản, chủ yếu du nhập từ Thái Lan, Myanmar, ông đã cùng với các thành viên BHL xây dựng nên các điều lệ thi đấu, tiêu chí, quy định để phát triển cầu mây ở Việt Nam. Sự năng động, tìm tòi và rất chịu đột phá của ông đã giúp cầu mây Việt Nam góp mặt và sớm hái quả ngọt ngay từ ASIAD 1998. Ngày các cô gái Hoàng Thị Thái Xuân, Lưu Thị Thanh, Trần Thị Vui, Nguyễn Thị Thúy Vinh, Nguyễn Thị Thu Ba, Đặng Thị Hiền... đã xuất sắc giành 1 huy chương bạc regu và 2 huy chương đồng circe và team regu, ông lặng lẽ đứng phía sau mà lòng trào dâng cảm xúc.

'Cha đẻ' của cầu mây Việt Nam không còn nữa! - Ảnh 2.

Cầu mây nữ Việt Nam giành HCV ASIAD 2006

Ngô Nguyễn

Từ thành công đó, ông Hà Khả Luân càng quyết tâm xây dựng đội cầu mây mạnh hơn, đặc biệt là với các cô gái để tấn công giành huy chương vàng ASIAD. Ông từng nói với tôi khi ở Doha: "Thái Lan bá chủ cầu mây thật, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ sẽ có ngày thắng họ. Trong thể thao không gì là không thể, phải cố gắng và nỗ lực không ngừng. Nhất định cầu mây nữ Việt Nam sẽ đứng vững ở ASIAD và nếu được có cơ hội vào Olympic, tôi tin đây sẽ là môn sẽ hái vàng về cho Việt Nam". Người đàn ông này cũng chẳng bao giờ kể công mình dù với vai trò Phó chủ tịch Liên đoàn cầu mây thế giới khi đó, ông cũng đã có những bước đi thận trọng nhưng chắc chắn ở hậu trường để cầu mây Việt Nam trở nên long lanh trong mắt bạn bè quốc tế.

Lại khai phá tìm tòi cái mới

Làm cầu mây hơn 10 năm, sau ASIAD 2006, ông Hà Khả Luân rút về phía sau nhưng ông không ngồi yên. Từ một "Luân cầu mây" như cách ông hay nói vui để chia sẻ với người khác thì người "cha đẻ" của mấy loại hình thể thao mới mẻ này lại tự tìm tòi, liên hệ và đặt nền móng cho môn bóng gỗ xuất hiện ở Việt Nam. Đó là một môn cũng rất phù hợp với sự phát triển ở Đông Nam Á, cho dù so với cầu mây đến giờ bóng gỗ vẫn chưa thực sự phát triển nhanh và có chỗ đứng ở Việt Nam. 

'Cha đẻ' của cầu mây Việt Nam không còn nữa! - Ảnh 3.

Ông Hà Khả Luân khi làm bóng gỗ

Tư liệu

Nhưng với ông Hà Khả Luân thì đó cũng là điều bình thường vì mục đích của ông cũng như người đàn anh đã quá cố trước đó là nguyên Giám đốc Sở TD-TT Hà Nội và là nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang thì con đường ngắn nhất để thể thao Việt Nam tiệm cận với thế giới là phải 'đi tắt đón đầu". Có nghĩa phải tiếp tục tìm tòi để sao cho các môn mới phát triển ở Việt Nam có cơ hội tấn công nhanh nhất vào sân chơi khu vực và châu lục, để từ đó thấy được tiềm năng ra sao để mạnh dạn đầu tư. Bóng gỗ một thời gian dài cũng đã có sự thu hút ít nhiều và cái tên của ông Hà Khả Luân đã đi vào lòng những người yêu mến như người đặt nền móng hệt như khi là "cha đẻ:" cho cầu mây.

Vĩnh biệt ông, người quản lý thể thao xuất sắc, người đã mang lại những hơi thở mới với những môn thể thao mới mang về sức sống cho thể thao nước nhà. 

Ông ra đi thanh thản ông nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.