Cha đẻ của phong trào hiến máu

27/02/2012 09:06 GMT+7

Nghi ngờ ông lấy máu của sinh viên để bán phụ huynh và cảnh sát địa phương đã bao vây ông. GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, người vừa nhận Giải thưởng Nhà nước cho công trình nghiên cứu ở lĩnh vực huyết học suốt 10 năm trước đây, kể lại.


Hiến máu trong ngày Chủ nhật Đỏ năm 2012 - Ảnh: Hồng Vĩnh 

“Thầy Phấn là cha đẻ của phong trào vận động hiến máu nhân đạo”, TS Nguyễn Triệu Vân, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (HH&TMT.Ư), nói - “Là Viện trưởng HH&TMT.Ư giai đoạn 1993-2003, GS.TSKH Đỗ Trung Phấn cùng các cộng sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong công tác truyền máu ở VN”.

Năm 1993, GS Phấn tiếp nhận chức Viện trưởng HH&TMT.Ư. Khi đó, nguồn duy nhất là của những người cho máu chuyên nghiệp. Số lượng không nhiều, chất lượng máu cũng không cao do họ cho máu quá nhiều lần.

VN lại chưa có khả năng sàng lọc máu, nguy cơ các mẫu máu có chứa virus HIV hay viêm gan B rất lớn. Thiếu máu, nhiều ca phẫu thuật bị hoãn, nhiều bệnh nhân không qua khỏi do thiếu máu truyền. Nhiều người nước ngoài ở VN khi cần truyền máu đều sang Thái Lan hay Singapore.

Phải phát động phong trào tình nguyện hiến máu nhân đạo. GS Phấn bắt đầu vận động một số sinh viên Đại học Y Hà Nội để cùng mình tham gia vận động tuyên truyền. Ban đầu một thầy cùng mấy trò trực tiếp đi các trường đại học, các địa phương.

Sau đó số lượng sinh viên tham gia nhiều hơn. Một CLB vận động tuyên truyền hiến máu đầu tiên được thành lập ở VN vào năm 1994. Không ai được hỗ trợ dù chỉ một đồng. Tất cả đều tình nguyện.

 
GS.TSKH Đỗ Trung Phấn

Hiệu trưởng nhiều trường đại học hỏi ông “hiến máu xong liệu sinh viên có bị ốm không?”. GS Phấn cùng sinh viên tình nguyện không thể tuyên truyền trực tiếp về hiến máu mà nói về HIV, về viêm gan B. “Đa phần sinh viên đều rụt rè không dám hiến máu vì lo sợ sẽ ốm đau”, vị bác sỹ ở tuổi 75 nhớ lại.

GS Phấn đã giúp VN tiếp cận được trình độ tiên tiến của thế giới, góp phần thay đổi toàn diện dịch vụ truyền máu ở VN”. - GS.TS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước Xét tặng Giải thưởng KH&CN.

Phụ huynh của sinh viên thì sao? Một lần ông cùng đội tình nguyện về Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ở thị trấn Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi thu gom được hơn 20 đơn vị máu, chuẩn bị về lại Hà Nội thì đội tình nguyện bị phụ huynh và cảnh sát ngăn cản.

Thì ra mẹ của một sinh viên cho máu khi biết chuyện đã kêu gọi thêm một số phụ huynh khác và nhờ cảnh sát can thiệp. Họ cho rằng Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã lấy máu của sinh viên bán cho Đại học Y Hà Nội để bán ra nước ngoài. GS Phấn và lãnh đạo nhà trường phải làm công tác dân vận hồi lâu thì đội tình nguyện mới có thể trở về.

Sau vụ ấy, người đầu tiên ông tìm gặp là ông Đặng Hữu, Trưởng ban Khoa giáo T.Ư. Ông tổ chức luôn một buổi tập huấn về hiến máu nhân đạo ngay tại Ban Khoa giáo T.Ư.

Sau cuộc đó, Ban Khoa giáo T.Ư đã gửi công văn đến đảng bộ các trường, đảng bộ địa phương, đề nghị giúp đỡ cho công tác vận động tuyên truyền hiến máu nhân đạo của Viện HH&TMT.Ư.

Có tấm vé thông hành trong tay, GS Phấn cùng các học trò của mình lại lặn lội khắp nơi. “Hơn chục năm liền, không thứ bảy, chủ nhật nào ông ấy ở nhà cùng vợ con. Ngủ dậy là nhắc đến máu”, phu nhân nhà khoa học nói.

Mỗi lần đi tuyên truyền, bao giờ GS Phấn cũng mang theo hình lãnh đạo các nước tham gia hiến máu. Ảnh nhà lãnh đạo Fidel Castro hiến máu ủng hộ chiến tranh VN. Ảnh Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Philippines, Công chúa Thái Lan cho máu.

Sau đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, rồi nhiều bộ trưởng, cũng cho máu. Đến mỗi địa phương, ông lại vận động các lãnh đạo cao nhất cho máu, từ bí thư tỉnh ủy đến hiệu trưởng các trường.

Hiến máu nhân đạo đến nay đã trở thành một trong những phong trào lớn nhất của thanh niên VN. Từ một câu lạc bộ, Hội Thanh niên Vận động Hiến máu Hà Nội thành lập sau này thu hút hàng vạn sinh viên tham gia hiến máu mỗi năm.

“Nhân dịp Hội bước sang tuổi 19, chúng ta cảm ơn người sáng lập là GS.TSKH Đỗ Trung Phấn”, anh Chử Nhất Hợp, Chủ tịch, bày tỏ.

Cách mạng trong ngành truyền máu

 
Sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện tại Hà Nội năm 1996

Nguồn máu đã được cải thiện nhưng công tác truyền máu điều trị bệnh còn quá nhiều khó khăn. Thiết bị lưu trữ, sinh phẩm để sàng lọc máu không có, công cụ thu gom lạc hậu và việc sử dụng máu lãng phí. Thập niên 1990, hiến máu ở VN lạc hậu 50 năm so với thế giới.

Nguồn máu đã có nhưng không có thiết bị lưu trữ. Khi ấy máu thu gom về phải lưu trữ trong tủ lạnh đựng rau. GS Phấn liên hệ với các chuyên gia ở Luxembourg. Một đoàn Luxembourg sau khi sang VN đã quyết định viện trợ 12 triệu USD. Nhờ vậy, tất cả các bệnh viện ở VN đều được trang bị thiết bị bảo quản máu.

Nhân chương trình phòng chống HIV toàn quốc, GS Phấn đã vận động để trang bị một số sinh phẩm và dụng cụ sàng lọc máu, và giảng dạy về sàng lọc máu trên khắp cả nước. Ông huy động một số đơn vị tài trợ sản xuất thiết bị thu gom máu. Nhờ vậy việc thu gom hở dần được chuyển sang thu gom kín.

Bước đột phá trong công tác truyền máu ở VN, theo lời Hội đồng cấp Nhà nước Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN tại lễ trao giải giữa tháng 2-2012 ở Hà Nội chính là việc chuyển từ truyền máu toàn phần sang chuyển máu từng phần.

Khi ấy việc truyền máu toàn phần vừa lạc hậu vừa gây lãng phí lớn. Có bệnh nhân chỉ cần truyền hồng cầu, có bệnh nhân lại chỉ cần huyết tương.

Làm thế nào phân loại thành phần máu, lấy tiền đâu để mua sinh phẩm? GS Phấn cùng các cộng sự đã làm một việc không dễ là chuyển từ truyền máu bao cấp sang truyền máu trả tiền. “Ban đầu bệnh nhân nhất định không chịu trả tiền.

Nhiều người đến tận phòng tôi để năn nỉ xin máu miễn phí. Nhưng tôi kiên quyết chỉ cấp miễn phí máu cho người nghèo. Các trường hợp khác bắt buộc phải trả tiền. Kinh phí thu được dùng để phân loại máu”.

Nhiều bệnh viện không chịu thực hiện truyền máu từng phần do thói quen và do cả kinh phí hạn chế. Không thể để các bệnh viện tự phân loại thành phần máu vì sẽ phải đầu tư dàn trải rất tốn kém.

Là người xây dựng chương trình máu quốc gia giai đoạn 2001-2010, tầm nhìn 2020, GS Phấn đã đề xuất xây dựng bốn trung tâm truyền máu hiện đại, chế biến các sinh phẩm máu để đưa về các bệnh viện.

GS.TSKH Đỗ Trung Phấn sinh năm 1938 tại Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1965. Làm nghiên cứu sinh tại Viện Huyết học Truyền máu Hungary.

Trước khi công tác tại Viện HH&TMT.Ư, ông giảng dạy ở Đại học Y Hà Nội và Vụ Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế). Tính đến nay, GS đã có trên 40 năm làm công tác giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.