Chả lụa gợi nhớ tết xa

30/01/2023 14:34 GMT+7

Chày giã thậm thình vào cối gỗ như tiếng trống trong lòng người náo nức đón xuân sang. Đốt nén nhang thơm canh chừng luộc chả lụa với mùi hương nồng nàn làm ngây ngất lòng người...

Rủ nhau "đậu tay" xẻ thịt heo đón tết

Quê tôi ở vùng phía nam tỉnh Quảng Ngãi, nằm giữa núi đồi và biển cả bao la. Trong cái se lạnh của tháng chạp, người dân quê tất bật hơn thường ngày. Những người cùng dòng họ tụ tập về nhà trưởng tộc rồi vác cuốc đi tảo mộ tổ tiên, gọi là chạp họ. Dịp này, những người con tha hương cố thu xếp công việc để trở về quê dâng nén hương thơm lên bàn thờ tiên tổ. Thế là tết sắp về nơi làng quê.

Và, cứ đến tháng chạp, lòng tôi bỗng nhớ về tết thuở xa. Ngày ấy, người dân quê lo tết từ vài ba tháng trước. Họ dành dụm từng cân nếp thơm vừa gặt từ đồng làng, chăm sóc đàn gà bằng những nắm lúa sau bao ngày nhọc nhằn mưa nắng cấy trồng rồi thu hoạch trên thửa ruộng bạc màu. Nhiều người rủ nhau "đậu tay" xẻ thịt heo đón tết.

Chả lụa gợi nhớ tết xa - Ảnh 1.

Hương thơm tỏa ra từ chả khi vừa lột lớp lá chuối

Khi gió se lạnh tràn về, những cụ ông râu tóc bạc phơ săm soi từng nhánh mai gầy khẳng khiu vừa lặt trụi lá trước khi đơm nụ đón xuân. Bố mẹ nhắc con trẻ tưới nước cho những chậu vạn thọ, mào gà, phượng vĩ... để nở hoa đúng vào dịp tết. Những người phụ nữ bước nhanh trên đường làng đến chợ vào sớm tinh sương. Chợ quê đông vui lạ thường. Tiếng chào hỏi, ngã giá bán mua râm ran khắp các gian hàng. Nơi cuối chợ, tiếng gà vịt thêm sinh động. Thỉnh thoảng, có bé thơ mải ngắm những đồ chơi ưa thích nên lạc mẹ mếu máo khóc òa...

Tết như ập đến xóm làng khi mọi người chung nhau xẻ heo để chế biến món ăn dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Trời chưa sáng tỏ mặt người, con trẻ vội rời giường trong rét lạnh tái tê khi nghe tiếng heo kêu eng éc vì bị lôi ra khỏi chuồng. Nồi nước khá lớn sôi sùng sục trên bếp lửa cháy bập bùng. Những cánh tay gân guốc chọc tiết, xối nước nóng vào heo rồi cạo lông trước ánh mắt đợi chờ của lũ trẻ.

Khi những tảng thịt được bày ra nia tre khá lớn lót lá chuối, lũ trẻ vui mừng đón nhận chiếc bong bóng heo. Chúng vội chạy vào bếp, lúi húi hốt tro chà vào bong bóng cho mỏng ra rồi rửa sạch qua nước. Sau đó, luồn ống đu đủ vào bong bóng rồi cả bọn thay nhau chúm miệng thổi căng tròn. Đấy là quả bóng ưa thích của trẻ con quê nghèo thời còn gian khó.

Chả lụa gợi nhớ tết xa - Ảnh 3.

Chả thêm thơm ngon khi ăn kèm cùng tỏi Lý Sơn

Trở lại với không khí buổi xẻ thịt heo nơi làng quê. Mọi người nói cười rôm rả nơi sân nhà. Cánh đàn ông chung tay làm sạch lòng heo rồi cho vào luộc trong nồi nước sôi trên bếp lửa hồng tí tách reo vui. Lát sau, lòng heo luộc chín được vớt ra rổ cho ráo nước, chủ nhà cho ít gạo vừa vo sạch vỏ cám vào nồi. Hơi ấm từ củi lửa làm vơi đi giá lạnh buổi sớm mai. Gạo bung nở như những đóa hoa bé tí lượn lờ trong nước.

Chả lụa gợi nhớ tết xa - Ảnh 4.

Chả lụa thường chung đĩa với nem như bao đời vẫn thế

Tiếp đến, nêm gia vị vừa ăn rồi cho hành lá, rau ngò xắt nhỏ vào nồi rồi nhấc xuống khỏi bếp. Mọi người xúm quanh chia nhau những chén cháo nấu từ nước luộc lòng heo, con trẻ cũng có phần lễ phép đưa hai tay đón nhận. Cháo thịt heo thơm ngon, ngọt lành làm ấm lòng ngày se lạnh. Xong bữa sáng, mọi người quây quần chia thịt heo, lòng luộc, xương, chân giò tùy theo tỉ lệ "đậu tay" ít hay nhiều theo giao ước trước đó. Rồi họ hối hả trở về nhà để lo sửa soạn các thứ chuẩn bị đón tết.

Món chả lụa để dâng cúng ông bà

Việc đầu tiên là chế biến món chả lụa để dâng cúng ông bà và thưởng thức trong ba ngày tết. Thịt chế biến món chả phải là thịt nạc thăn hay đùi được lọc bỏ phần mỡ và gân. Sau đó, cho thịt vào cối gỗ vừa được rửa sạch và lau khô. Hai người quết chả bằng đôi chày lớn cỡ bắp chân đẽo gọt cẩn thận và dùng lâu ngày nên bóng láng. Nhiều nhà trong xóm cùng quết chả tạo nên âm điệu khá vui tai.

Chả lụa gợi nhớ tết xa

Đĩa chả và nem trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên

Chày giã thậm thình vào cối gỗ như tiếng trống trong lòng người náo nức đón xuân sang. Sau một hồi quết thì cho nước mắm cùng ít đường, bột ngọt, tiêu xay nhuyễn vào cối trộn lẫn với thịt. Chả thêm thơm ngon khi quết với nước mắm cá cơm Sa Huỳnh. Người dân quê thường phết nước mắm lên đầu chày để thịt bớt dính trong lúc giã. Khi quết đủ độ, thịt sẽ dậy lên hương thơm kích thích vị giác.

Lá chuối hái ngoài vườn hơ qua lửa rồi cắt thành từng miếng lau sạch đã bày sẵn. Cho thịt vào lá rồi gói thành khúc chả tròn tựa đòn bánh tét cắt ngắn, cột những sợi lạt tre chẻ mỏng bên ngoài. Tiếp đến, cho chả vào nồi nước đang sôi trên bếp củi cháy bập bùng nơi góc bếp. Đốt nén nhang dài chừng hai gang tay để canh chừng thời gian vớt chả ra khỏi nồi. Hương thơm cùng không khí ngày giáp tết làm ngây ngất cõi lòng. Khi hương tàn thì vớt chả ra khỏi nồi và treo nơi thoáng mát.

Chả lụa thường chung với nem trong một đĩa trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên ba ngày tết. Những người phụ nữ khéo tay dùng dao bén cắt chả và trang trí khá đẹp mắt. Lúc soạn mâm, luôn đặt đĩa nem chả bên trên các món ăn khác. Khi ngồi bên mâm cỗ sau lễ cúng, con trẻ thường nhường bậc cao niên gắp trước chả và nem để tỏ lòng hiếu thảo. Các cụ gắp miếng chả chấm vào chén mắm chậm rãi thưởng thức rồi gật đầu khen ngon khiến cháu con nở mày nở mặt. Xuân tràn đầy yêu thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.