Cha mẹ tìm hiểu kỹ nơi con sẽ đến học

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
30/08/2018 09:25 GMT+7

Theo báo cáo 'Không ngừng vươn cao' của HSBC cuối năm 2017, có hơn 63.000 du học sinh VN tại các nước. Trong số này có nhiều du học sinh đã từng lâm vào tình trạng trầm cảm thời gian đầu đến nơi mới.

Theo bà Nguyễn Anh Thi, tác giả cuốn sách Đồng hành du học cùng con, trên thực tế, từ khi có việc đi du học, nhiều cha mẹ ở VN rất tích cực “chạy đua vũ trang” khi cho con học thêm, học nếm đủ thứ. Vì vậy, con lâm vào tình trạng quá tải. Bởi một mặt, học sinh phải học thêm cho đầy đủ tiêu chuẩn của trường VN đang theo học; mặt khác đua cho đủ tiêu chuẩn của các trường chuẩn bị du học ở nước ngoài. Kết quả chung là không đâu vào đâu, trừ một số thần đồng, siêu sao.

“Kinh nghiệm của tôi khi con còn ở VN là mạnh dạn từ bỏ phần lớn các tiêu chuẩn theo kiểu VN nếu đã chuẩn bị cho con đi du học. Tập trung vào tiêu chuẩn mà mình định hướng tới. Ví dụ đầu tiên tôi bàn với cháu thôi không theo đội tuyển học sinh giỏi tin học nữa và dành thời gian học SAT 1. Tiếp theo là cháu không đi học thêm, chỉ mời một sinh viên tới nhà dạy kèm. Vậy có bài khó có thể hỏi mà đỡ phải đi ra ngoài đường. Ngày cuối tuần thì tham gia sinh hoạt cộng đồng, đi bơi, tham gia hướng đạo sinh. Thế là giải tỏa áp lực đáng kể. Vì vậy con tôi mới có đủ thời gian và sức khỏe lo cho việc du học và học bổng”.
Theo bà Thi, việc cha mẹ cùng con tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh nơi con đến học là rất quan trọng. Điều này tránh cho con bị rắc rối, cũng không bị ảnh hưởng tâm lý. Một người bạn của bà cho con đi Mỹ du học, ngay tuần đầu tiên khi đưa con qua đã mất 50.000 USD phí chuyển trường cho con vì không phù hợp. Một du học sinh khác khi gia đình cho qua Mỹ học tại một tiểu bang vùng Trung Tây xa xôi, khi tới nơi viết thư về nhà kể: “Cái tòa nhà mà nhà mình thấy trong hình mà công ty du học giới thiệu đúng là nơi có trường con. Nhưng trường của con chỉ là một lớp học có 15 bạn được thuê trong tòa nhà đó thôi. Chắc con phải chuyển trường”.
Theo Ngọc Hiệp, hoa khôi du học sinh VN tại Nhật Bản năm 2017, cần chuẩn bị tốt kiến thức ở VN, tìm hiểu thêm về văn hóa, giáo dục của nước sẽ đến học. Hiệp cho rằng điều phải chuẩn bị tốt nhất là ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ chưa tốt, giáo viên giảng bài không thể hiểu và theo dõi bài học, không nói chuyện được với bạn bè quốc tế, không tự mình đi mua sắm, không tìm được việc làm thêm sẽ khiến du học sinh bị trầm cảm, lo lắng và khó hòa nhập được với cuộc sống mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.