Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính: Nhập cuộc

10/03/2016 07:00 GMT+7

Ở mãi Lan Chi Viên cũng chán, thế là cha tôi ngao du khắp Sài thành cho đỡ cơn thèm đi.

Ở mãi Lan Chi Viên cũng chán, thế là cha tôi ngao du khắp Sài thành cho đỡ cơn thèm đi.

Nguyễn Bính (trái) và nhà văn Đoàn Giỏi trong vở kịch 'Chiếc áo đêm trăng' - Ảnh: Tư liệu gia đìnhNguyễn Bính (trái) và nhà văn Đoàn Giỏi trong vở kịch 'Chiếc áo đêm trăng' - Ảnh: Tư liệu gia đình
Một hôm, ông dừng chân trước nhà sách Hồng Bàng trên đường Amviateur Garrose (nay là Thủ Khoa Huân, Q.1, TP.HCM), không ngờ nơi đây chính là cơ sở hoạt động công khai của Chi bộ chợ Bến Thành do ông Trúc Quỳnh và ông Phạm Quang Toản phụ trách. Để che mắt địch nên ngoài việc bán sách, tiệm còn cho thuê sách cũ để những người cách mạng sau khởi nghĩa Nam Kỳ tiện bề lui tới liên lạc. Đằng sau quầy sách có đặt một bàn cờ tướng, giúp “hợp lý hóa” khi ngồi bàn bạc công việc. Hôm ấy, ông Hà và ông Long (cán bộ hoạt động cách mạng) đang trao đổi bên bàn cờ, đột nhiên trước cửa tiệm sách xuất hiện chàng thanh niên có dáng người hom hem nhỏ nhắn, duy có đôi mắt thì rất sáng.
Cha tôi đứng xem các danh mục sách rất lâu, làm cho gia chủ nghi ngờ là lính kín. Đúng lúc ông Long đang ở thế bí thì ông bước vào, nhanh nhảu ngồi xuống bày ra một thế cờ đề nghị mọi người phá. Vừa chơi cờ, ông vừa nói chuyện về một số tập thơ mà nhà sách có và nói tập Lỡ bước sang ngang ở đây cho thuê đặt tiền cọc cao quá. Gia chủ cho biết tiệm sách đã bị mất mấy cuốn rồi mà các cô ở chợ Bến Thành vẫn muốn được đọc. Chẳng nói chẳng rằng, hôm sau cha tôi lại đến, mang theo một tập Lỡ bước sang ngang đưa cho gia chủ, trên trang bìa có ghi lời đề Tặng nhà sách Hồng Bàng, bên dưới là chữ ký tên Nguyễn Bính, bên cạnh có đóng dấu triện. Từ đó thân nhau, cha tôi thường lui tới tiệm sách đàm luận văn chương, thời cuộc.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Giữa những ngày thế cuộc như đang trên chảo lửa, cha tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Oanh người đồng hương và là Thành ủy Sài Gòn. Tên thật của ông là Trần Quang Hoài, mọi người thường gọi Tư Oanh. Để ngụy trang cho tiện bề hoạt động, ông Oanh thường đóng vai thợ đóng giày và có tay nghề rất giỏi. Những ngày cùng nhau bình thơ, luận bàn thế sự, bằng những nhận xét tinh tường về thời cuộc, về trách nhiệm của người cầm bút trước vận mệnh của đất nước, ông Nguyễn Oanh đã làm lay động trái tim người tráng sĩ thi nhân, giúp cha tôi định hướng con đường của mình.
Để hòa nhập cùng thời cuộc, cha tôi lần về những vùng đất gắn liền với tên tuổi của các sĩ phu yêu nước như: Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… Ở đây ông được các thân hào, nhân sĩ đón tiếp nồng nhiệt. Theo nhà thơ Bảo Định Giang, cha tôi ghé lại đất Mỹ Tho, ngụ tại khách sạn Tân Hưng, khách sạn vào loại bét nhất, mỗi ngày chỉ trả một đồng bạc tiền thuê phòng mà cha tôi vẫn không có đủ. Hành trang thì độc một bộ đồ sờn rách, trông ông xơ xác tiều tụy. Khi đó cuộc sống cha tôi rất khó khăn.
Sống nhờ… tài trợ của bạn văn chương
Khi ấy nhà thơ Bảo Định Giang còn rất trẻ, vừa đi học vừa dạy trường tư, đồng lương quá ít, đời sống rất khó khăn nên ông không đủ sức đùm bọc nhà thơ mình yêu quý. Nhiều đêm trăn trở, để lưu cha tôi lại, ông Bảo Định Giang nghĩ ra cách vận động các nhà trí thức sẵn tiền “tài trợ” để cha tôi có điều kiện ở lại Mỹ Tho lâu hơn. Nghĩ sao làm vậy, một sáng, khi phòng mạch bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa mở cửa, ông Bảo Định Giang liền vào nói ngay yêu cầu của mình. Bác sĩ Nghiệp sốt sắng móc ví tặng cha tôi mấy chục đồng.
“Bổn cũ soạn lại”, lần này ông Giang giới thiệu cha tôi với bác sĩ Dương Tấn Tươi - một người mê văn chương, có thú chơi sách nhưng lại là dân nghiện á phiện. Bác sĩ Tươi khi nghe qua sự tình, liền cho mời cha tôi đến gặp. Hai người nằm đối diện nhau chuyện trò vui vẻ, cha tôi đọc cho bác sĩ Tươi nghe bài thơ mới sáng tác và một đoạn trong Lỡ bước sang ngang. Buổi tương ngộ ấy kéo dài đến ba bốn giờ sáng. Trước khi chia tay, bác sĩ Tươi chậm rãi nói: “Tôi nghe xừ Danh (tên thật nhà thơ Bảo Định Giang) nói, Nguyễn Bính rất túng tôi tặng Nguyễn Bính một số tiền để sống mà tiếp tục làm thơ”.
Khi cha tôi và nhà thơ Bảo Định Giang về tới khách sạn, mở túi ra xem, cả hai đều bất ngờ trước số tiền quá lớn, cả thảy bảy tờ giấy “xăng”, vị chi là 700 đồng. Với số tiền ấy có thể sống thoải mái ít nhất là hai năm. Cảm động trước tấm lòng hào hiệp của bác sĩ Tươi, cha tôi lại nắn nót viết bài thơ tứ tuyệt liên hoàn lên tờ giấy khổ rộng cao khoảng một mét hai với lối chữ thảo bay bướm tặng bác sĩ. Thích nội dung và cả hình thức bài thơ do chính tay tác giả Lỡ bước sang ngang chép tặng, bác sĩ Dương Tấn Tươi vô cùng sung sướng, cảm động siết chặt tay cha tôi hồi lâu. Rất tiếc cho đến nay tôi vẫn không có chút dấu tích gì về bài thơ này cũng như về bác sĩ Dương Tấn Tươi để được một lần cúi đầu nói lời cảm ơn ông, cùng rất nhiều ân nhân trên bước đường xê dịch của cha tôi, tôi muốn được nói lời cảm ơn chân thành. Về sau nghe nói bài thơ cha tôi chép tặng bác sĩ Tươi cũng được ông trân trọng cất giữ như vật báu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.