Thật ra, xu hướng hiện nay là con cháu thế hệ lãnh đạo thứ tư và thứ năm (tức các vị đang nắm quyền hiện nay như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo…) hầu như nắm giữ các tập đoàn lớn chứ ít tham gia chính trị. Nổi bật trên chính trường xưa nay chủ yếu là các “vương tử” có cha ông thuộc thế hệ lãnh đạo thứ ba trở về trước, theo tờ The Wall Street Journal.
Trong số này, nổi bật nhất có đương kim Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, con trai Ủy viên Trung ương đảng, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân (1913-2002). Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng Cộng sản sau đại hội đảng vào tháng 10 hoặc 11 tới. Bên cạnh đó, cũng không thể nhắc đến cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, chính trị gia gây chú ý nhất tại Trung Quốc thời gian qua. Cha ông Bạc Hy Lai là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên Bạc Nhất Ba (1908-2007). Trước khi bị cách chức và điều tra, cựu Bí thư Bạc được đánh giá là ngôi sao đang lên của chính trường Trung Quốc và tràn trề cơ hội vào Thường vụ Bộ Chính trị sau đại hội đảng lần này.
|
Bên cạnh đó, thu hút sự quan tâm còn có thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội Chủ tịch Mao Trạch Đông. Năm 2009, Mao Tân Vũ trở thành sĩ quan cấp tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Trung Quốc ở tuổi 39. Hiện ông là thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính hiệp). Cùng tham gia Chính hiệp còn có con trai nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương, đang giữ chức phó chủ tịch tổ chức này.
Rời thương trường, vào quan trường
Đến những người con của các lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba thì nổi bật có Lý Tiểu Bằng, con trai cựu Thủ tướng Lý Bằng. Ông Lý Tiểu Bằng, 53 tuổi, từng nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo Tập đoàn điện lực Hoa Năng và được mệnh danh là “Vua điện châu Á”. Đến năm 2008, ông chuyển hướng sang chính trị và vào tháng 6.2010 trở thành Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó chủ tịch thường trực tỉnh Sơn Tây, theo tờ Liên hợp buổi sáng.
Một trường hợp rời thương trường vào chính trường khác còn có Hồ Hải Phong, con trai Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Như đã biết, Hồ Hải Phong từng nhiều năm điều hành Nuctech, công ty nhà nước gần như độc quyền cung cấp các loại máy quét dùng trong an ninh, y tế, hàng hải, xuất nhập khẩu… Hồ Hải Phong rời vị trí lãnh đạo Nuctech vào năm 2008, ngay trước khi công ty này bị điều tra về tham nhũng và hối lộ dính líu tới quan chức nhiều nước như Namibia và Nam Phi, theo trang tin Asianews.
Sau đó, Hồ Hải Phong được cho là đang đảm nhận cương vị Phó bí thư Đảng ủy của Đại học Thanh Hoa và chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu sông Dương Tử thuộc trường này, theo Liên hợp buổi sáng. Thanh Hoa được đánh giá là trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, không thua kém Đại học Bắc Kinh. Vợ chồng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc và Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đều là cựu sinh viên của trường. Vì thế, giới quan sát cho rằng Hồ Hải Phong sẽ còn tiến xa trên quan trường.
Lucy Nguyễn
>> Con trai Bạc Hy Lai lên tiếng
>> Báo chí Trung Quốc bất ngờ kêu gọi cải cách chính trị
>> Nghi án “cho nổ máy bay” của vợ chồng Bạc Hy Lai
>> Sóng gió nhà họ Bạc: Điều tra chi tiêu công
Bình luận (0)