Nhiệm vụ của ChainTracer là cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, và trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain.
Đối mặt với tình hình tội phạm tài chính ngày càng gia tăng đối với doanh nghiệp và xã hội, nhiều công ty đang phải tuân thủ các quy định chống rửa tiền (AML) và quản lý rủi ro. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này không hề đơn giản và cần có sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ để giảm bớt sự phức tạp.
Theo báo cáo "Tội phạm và lừa đảo kinh tế toàn cầu" năm 2022 của PwC, 51% trong số hơn 1.000 tổ chức đã phải đối mặt với lừa đảo, gian lận kinh tế chỉ trong vòng 2 năm, đây là mức cao nhất mà PwC ghi nhận trong 20 năm qua.
Trong các lĩnh vực công nghệ mới như Web3, báo cáo về tội phạm tài chính của Chainalysis cho thấy số lượng giao dịch bất hợp pháp trong thị trường này đã đạt mức 20,6 tỉ USD, trong đó một phần không nhỏ xuất phát từ các hoạt động lừa đảo.
Với sự gia tăng của tội phạm tài chính trong các lĩnh vực công nghệ mới như Fintech, Web3..., các cơ quan quản lý đang thắt chặt việc tuân thủ các quy định. Ví dụ, ở châu Âu, để ngăn chặn tội phạm tài chính, đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA) mới được thông qua gần đây được xem là bổ sung vào Chỉ thị Chống rửa tiền (AMLD) hiện hành tại Liên minh châu Âu (EU), khi MiCA cung cấp thêm khung pháp lý cụ thể cho tài sản số. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài sản số cần thực hiện các nghĩa vụ AML như Thẩm định khách hàng (Customer Due Dilligence) và báo cáo các giao dịch đáng ngờ với cơ quan quản lý.
Bên cạnh các nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống khủng bố) theo Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF), ngành tài chính - ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc áp dụng các chuẩn mực Basel III, IFRS 9 để quản trị rủi ro, đồng thời cân nhắc giữa việc phát triển kinh doanh và mở rộng cơ sở khách hàng.
Vì vậy, việc cần thiết hóa các công cụ nhằm giảm thiểu độ phức tạp trong việc tuân thủ quy định pháp lý trong lĩnh vực công nghệ, tài chính - ngân hàng trở nên không thể tránh khỏi. Đã có không ít công ty và dự án được thành lập với mục tiêu cung cấp các giải pháp cho việc phát hiện và ngăn chặn tội phạm tài chính, quản lý rủi ro, trong số đó phải kể tới Chainalysis, CertiK, CipherTrace, Elliptic...
Ở Việt Nam, áp lực về việc tuân thủ pháp lý cũng đang tăng cao trong thời gian gần đây. Một thực tế rõ ràng là sự ra đời của luật Phòng chống rửa tiền mới vào đầu năm nay, có hiệu lực từ ngày 1.3.2023, nhằm giải quyết các hạn chế trong luật AML/CFT năm 2012 và tiến hành thích nghi với các tiêu chuẩn AML/CFT quốc tế.
Sự sụp đổ của các ngân hàng quốc tế lớn như Silvergate, Silicon Valley Bank, Signature Bank cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy việc áp dụng chuẩn mực Basel III, IFRS 9 trong ngành ngân hàng với mục đích quản lý rủi ro, nâng cao sự cạnh tranh.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam đặt nhiệm vụ tuân thủ pháp lý ở mức độ ưu tiên cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, tài chính. Trong năm 2023, dự án Chống lừa đảo ChainTracer, một sản phẩm của Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo, đã ra đời.
Dự án này cung cấp nguồn dữ liệu mở cho cộng đồng và các cơ quan chức năng tra cứu miễn phí, nhằm hỗ trợ công tác điều tra, xác minh, từ đó đóng góp vào việc quản lý, tuân thủ AML quốc tế, tạo ra cơ sở tham khảo cho Bộ, ban, ngành để thúc đẩy việc đáp ứng các tiêu chuẩn AML trong hoạt động quản lý tiền tệ.
Ông Hiếu Ngô, một thành viên chủ chốt của Ban An toàn Thông tin của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đang dẫn dắt dự án ChainTracer. Đây là dự án có tầm nhìn rõ ràng về việc truy vết giao dịch trên blockchain nhằm tăng cường hoạt động AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).
Trong quá trình trao đổi về những lợi thế và thách thức khi thực hiện dự án tại Việt Nam, ông Hiếu chia sẻ: "Hiện tại, dự án đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực Web3. Đây là một dấu hiệu lạc quan cho thấy có một số lượng lớn người đang chủ động tiếp cận với các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, ngay cả trong những lĩnh vực mới như Web3".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng: "Web3 vẫn là một lĩnh vực mới mẻ, điều này tạo nên khó khăn trong việc dự đoán được các phương pháp tinh vi của hacker. Việc truy vết sẽ trở nên phức tạp hơn và đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến phân tích blockchain để xác định hành vi, dòng tiền và thời gian, nhằm hiểu rõ hơn về sự minh bạch của nhóm phát triển đứng sau các dự án liên quan đến Web3".
"Chúng ta chỉ có thể giới hạn ở việc cảnh báo, ngăn chặn những trang web có dấu hiệu lừa đảo, hoặc đánh dấu những địa chỉ vì có dấu hiệu rõ rệt về hành vi lừa đảo, đòi tiền", ông Hiếu nói thêm.
Nền tảng ChainTracer là một công cụ phân tích chuyên sâu, dựa trên hoạt động của giao dịch trên chuỗi, và tiến hành so sánh chúng với các mô hình lừa đảo đã biết. Mục tiêu của nó là đánh giá một cách cẩn trọng để xác định liệu một dự án có phải là lừa đảo hay không. Các mô hình nhận diện được phát triển đặc biệt cho không gian Web3, nhưng đồng thời vẫn áp dụng những bài học và kinh nghiệm rút ra từ các mô hình lừa đảo Web2.
Hơn nữa, nền tảng ChainTracer còn mang đến một loạt các chức năng mạnh mẽ khác. Đó là việc phân tích các hành vi thị trường để phát hiện ra các biểu hiện của lạm phát. Nó cung cấp các báo cáo phân tích chi tiết về các dự án ICO, IDO, IEO, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xác định liệu một dự án có yếu tố gian lận hay không.
Đặc biệt, một trong những kỹ thuật thu lợi nhuận ẩn mình khéo léo và khó bị phát hiện nhất là việc sử dụng bot và mô hình MM bởi các chuyên gia quản lý pool - cũng nằm trong tầm ngắm của ChainTracer. Nền tảng này có khả năng nhận diện và cảnh báo về các hành vi đáng ngờ trong quá trình phân tích thanh khoản, nhằm bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro tiềm ẩn.
Bình luận (0)