Chấm dứt sự vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm với môi trường

01/06/2005 23:22 GMT+7

Ngày 1/6, Quốc hội đã dành cả một ngày thảo luận, góp ý xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi. Nếu so sánh với dự án luật hiện hành, Luật BVMT (sửa đổi) lần này đã được chỉnh sửa rất nhiều, cụ thể và chi tiết hơn hẳn với một loạt các quy định về tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, bồi thường thiệt hại nếu gây ô nhiễm... để khắc phục những điểm yếu của luật hiện hành là quá chung chung và khó thực hiện.

Quyền tố giác tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường

Khi bàn thảo về dự án Luật BVMT (sửa đổi), phần lớn ĐB đều bày tỏ thái  độ bức xúc về tình trạng ô nhiễm: không khí, nước, đất đai... ở nhiều nơi. Với ĐB Mai Quốc Bình (TP.HCM), đó là tình trạng "vô tư": "vô tư" xả rác, vứt động vật chết... ra ngoài đường; doanh nghiệp "vô tư" thải chất thải (chưa được xử lý) vào nguồn nước... Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói: "Dùng chữ vô tư làâ quá nhẹ. Đó là tình trạng vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm với môi trường hiện nay". Theo ông Lộc, phải làm rõ trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, vì sao thấy tình trạng ô nhiễm đã rất bức xúc mà không cải thiện.

Góp ý cụ thể hơn vào các điều luật, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói: "Dự luật dành từ điều 62 đến 66 về thẩm quyền, trách nhiệm BVMT của Nhà nước, tổ chức, cá nhân... nhưng tôi thấy chưa đủ và chưa rõ. Ở đây, trách nhiệm của liên bộ, liên địa phương rất hạn chế". Theo ĐB tỉnh Trà Vinh: "Phải nêu rõ cá nhân có quyền được hưởng môi trường trong sạch thì cũng phải có quyền tố giác, phản ánh ai, cơ quan nào gây ô nhiễm và cũng phải tự có trách nhiệm với môi trường". Bà Khá "chốt" lại: "Luật chẳng nói rõ cơ quan chuyên trách là cơ quan nào. Chỉ ghi chung chung thế, nếu dân muốn tố giác vấn đề gì về ô nhiễm thì họ cũng không biết phản ánh ở đâu".

Chế tài  BVMT còn quá yếu

ĐB Trần Thị Mai Phương (Long An) nói: "Tình trạng ô nhiễm môi trường  hiện nay không hẳn chỉ do thiếu đầu tư, thiếu ý thức mà chính là do mức chế tài của ta còn thấp". Đồng tình ý kiến này, ĐB Dương Thị Kim Anh (Trà Vinh) nêu: "Tôi nghiên cứu thấy ở ta nếu xử phạt một cơ sở vi phạm (môi trường) thì cao nhất chỉ bị phạt 30 triệu đồng/lần và chỉ có thể phạt 1 lần/năm với một cơ sở công nghiệp. Trong khi đó chi phí xử lý chất thải của một cơ sở ít nhất là 20 triệu/tháng". ĐB Kim Anh kết luận: "Cho nên các doanh nghiệp đều chấp nhận xử phạt chứ không đầu tư xử lý chất thải".

Đọc các dự thảo hướng dẫn Luật BVMT (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thanh Bình nhận xét: "Quy định về các chế tài thế này sẽ không đủ hiệu lực buộc các tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định BVMT. Nên nâng mức xử phạt hành chính vì ở ta sẽ ít có việc đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm mà chủ yếu phạt hành chính thôi".

Về chuyện gây ô nhiễm và trách nhiệm của người dân, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, ĐB tỉnh Quảng Nam nói: "Luật đã có rất nhiều quy định rồi, các biện pháp hành chính cũng nhiều rồi nhưng kiểm tra thế nào được, giảm ô nhiễm thế nào được khi dân còn chưa giác ngộ?". Ông kết luận: "Cũng như với vấn đề an toàn giao thông vậy, ta đã làm đủ biện pháp rồi. Cái chính là phải phát động, tuyên truyền mạnh hơn, nâng cao ý thức người dân. Dự luật này phải xây dựng một chương lớn phát động người dân BVMT, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu dân giác ngộ được thì hiệu quả sẽ rất to lớn".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.