|
Học sinh dài cổ đợi
Ngày 21.12.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Tiếp đó, thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT hướng dẫn thực hiện quyết định này. Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực từ 1.1.2011 nhưng 3 năm sau đó, ở Quảng Trị vẫn còn nhiều ngổn ngang....
Đầu tháng 12 này, tại trường tiểu học và THCS Húc Nghì (xã Húc Nghì, H.Đakrông), gần 40 em học sinh con em đồng bào thiểu số sau giờ học lại trở về căn nhà bán trú ọp ẹp của mình. Ước mơ nuôi cái chữ, thoát cái nghèo của các em tưởng như xa vời khi cứ loay hoay chưa biết trưa nay ăn gì. Lửa đã nhen, nhưng túi thực phẩm đã rỗng, đến mớ rau rừng và dăm ba con cá suối vừa “tăng gia” cũng đã ăn hết từ chiều qua. “Còn gạo là cứ nấu thôi, nhưng chưa có thức ăn. Em đang tính đi xin thầy cô hay dân bản. Không có thì ăn tạm cơm với muối!”, em Hồ Thị Chiến tặc lưỡi nói.
Để đến trường, các em đã phải băng rừng, sống xa cha mẹ. Đã vậy phải lên lớp với cái bụng chưa no. Những khó khăn này lẽ ra vơi bớt phần nào khi khoản tiền hỗ trợ nói trên đến kịp. Theo quyết định của Thủ tướng các em sẽ được hỗ trợ cụ thể: mỗi tháng được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Mỗi em còn được hưởng 100.000 đồng/năm học tiền hỗ trợ mua sắm dụng cụ văn hóa thể thao, 50.000 đồng/năm học tiền hỗ trợ y tế. Nhưng tại Quảng Trị, học sinh thuộc diện trên chỉ nhận được tiền trong năm 2012. Năm 2011 và năm 2013 đến ngày 6.12.2013 vẫn chưa có. Việc chậm trễ này làm ảnh hưởng đến chất lượng của các em học sinh vùng cao và gây ra nhiều thắc mắc cho giáo viên, các bậc phụ huynh.
Thầy Phạm Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Tà Long (xã Tà Long) gửi gắm: “Các khoản tiền hỗ trợ nên được phân bổ sớm từ đầu năm học để nhà trường có thể chủ động tổ chức các bếp ăn tập thể. Có vậy mới đảm bảo được sức khỏe và việc học cho các em”. Không riêng gì thầy Toàn mà thầy Hoàng Văn Quỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Húc Nghì và ông Hoàng Văn Thông, Phó GĐ Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Trị cũng có những kiến nghị tương tự.
Chậm nhưng chắc chắn có
Sau khi những thông tin về việc chậm trễ hỗ trợ này “bùng phát”, UBND tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc một cách rốt ráo và yêu cầu các ban ngành chức năng phải giải đáp.
Ông Nguyễn Duy Tân, GĐ Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị cho hay: “Các khoản hỗ trợ này có danh sách dự toán thì bố trí trong năm 2013, nơi nào chưa triển khai thì tự chịu trách nhiệm. Nơi nào chưa có thì gửi đơn cho UBND tỉnh để đề nghị Sở Tài chính bổ sung. Phòng tài chính của các huyện lúc triển khai có thể đọc văn bản chưa kỹ nên triển khai về các xã chậm”.
Còn ông Hồ Minh Tuấn, PGĐ Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chậm là cũng vì tỉnh Quảng Trị là tỉnh khó khăn không có ngân sách để chi trước nên phải chờ T.Ư. Nhưng tôi chắc chắn rằng có chậm một chút nhưng các khoản này các em học sinh sẽ nhận được. Hiện số tiền dự tính được phân bổ để hỗ trợ cho học sinh trong dịp này là từ khoảng 16 đến 18 tỉ đồng”.
Thanh Niên cũng đã liên lạc với thầy Mai Huy Phương, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đakrông và được thầy cho biết, vừa nghe thông tin tỉnh sẽ hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng số tiền gần 9 tỉ đồng. “Tôi chỉ biết tổng số tiền chứ không nắm tổng số em học sinh được hỗ trợ vì quy định mỗi năm mỗi khác nên danh sách học sinh cũng khác.” thầy Phương nói.
Người vùng cao có cái lý rất đơn giản, giờ có nhà bán trú để ở, nhưng cái ăn không có, làm sao níu chân học sinh ở lại trường?
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)