Mụn trứng cá là bệnh lý của vùng nang lông - tuyến bã nhờn, thường gặp ở lứa tuổi dậy thì. Mặc dù bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có tác động rất lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, mụn có thể để lại nhiều hậu quả như sẹo mụn và những vết thâm tồn tại lâu dài, rất khó điều trị.
Tất cả những quy trình cần thiết để cải thiện làn da mụn và các di chứng do mụn để lại cần được tư vấn, điều trị và theo dõi bởi BS chuyên khoa da liễu tại các cơ sở điều trị da - thẩm mỹ da uy tín.
Hiểu cơ chế sinh mụn
Với chuyên môn da liễu thẩm mỹ, BS.CKII Nguyễn Lê Trà Mi cho biết cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá bao gồm rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có 4 cơ chế chính gây ra mụn cùng hiện diện và tác động qua lại với nhau là:
(1) Tắc nghẽn lỗ nang lông (sừng hóa nang lông): biểu hiện bằng sự xuất hiện của các mụn cồi là do chất bã, chất sừng và vi khuẩn bị ứ lại không thoát ra được. Đây là điểm khởi đầu của mụn.
(2) Tăng tiết bã nhờn: Những bệnh nhân bị mụn có sự tăng tiết nhiều chất nhờn nhiều hơn là những bệnh nhân không mụn. Chất béo có trong chất nhờn do da tiết ra là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển, nên đây là 1 yếu tố thuận lợi góp phần vào gây mụn.
(3) Sự hiện diện và hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium acnes (C-acnes) tại vùng nang lông - tuyến bã.
(4) Viêm: Sự tích tụ quá mức các chất bên trong nang lông làm cho vi nhân mụn (mụn cồi) vỡ ra, kích thích cơ thể sinh ra đáp ứng viêm.
Nguyên nhân của mụn
Mụn trứng cá thông thường gặp ở lứa tuổi dậy thì do hoạt động mạnh của tuyến bã làm tăng tiết bã nhờn, cộng thêm quá trình rối loạn tạo nút sừng ở nang lông. Theo chia sẻ của BS.CKII Nguyễn Lê Trà Mi có 4 cấp độ mụn với đặc điểm khác nhau:
- Mụn nhẹ: chỉ có mụn cồi
- Mụn trung bình: chủ yếu là có những mụn mủ, mụn viêm đỏ
- Mụn trung bình nặng: có thêm những cục dưới da, thường < 5 cục
- Mụn nặng: chủ yếu là cục dưới da.
Tuy nhiên, nếu mụn trứng cá xuất hiện đột ngột, mức độ nặng, kèm theo những dấu hiệu khác như lông mọc nhiều bất thường, chu kỳ kinh nguyệt rối loạn,… thì phải được bác sĩ chuyên khoa khám và cho xét nghiệm tầm soát nguyên nhân gây mụn. Chỉ khi điều trị dứt điểm nguyên nhân thì mụn mới được điều trị hiệu quả được.
Điều trị mụn thế nào để tránh tái phát?
Điều trị mụn là quá trình lâu dài, liên tục, bao gồm cả việc thay đổi lối sống, chăm sóc da đúng cách và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da. Vì cơ chế sinh mụn là sự kết hợp của nhiều yếu tố nến điều trị mụn phải chăm sóc và điều trị toàn diện mới mong đạt hiệu quả cao.
Vệ sinh da đúng cách
Khởi đầu cho một làn da không mụn, điều bạn chú ý đầu tiên chính là bước làm sạch. Đối với Bác sĩ Trà Mi, chọn sữa rửa mặt phù hợp sẽ giúp bạn đơn giản hóa chu trình trị mụn cũng như ngăn mụn trở lại tốt hơn.
Làn da mụn là da nhạy cảm, rất dễ bị kích thích bởi các hóa chất trong các sản phẩm rửa mặt thông thường. Các chất có trong các sản phẩm rửa mặt thông thường có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, làm da dễ khô và mất nước, dễ nhiễm trùng và dễ bị kích ứng hơn. Chính vì vậy, việc hiểu rõ cách chọn và sử dụng các sản phẩm rửa mặt là vô cùng quan trọng.
Các sản phẩm rửa mặt sẽ giúp lấy đi các tế bào chết, lượng nhờn dư thừa trên da. Tuy nhiên rửa mặt quá nhiều hoặc sử dụng những chế phẩm kiềm có thể làm mất cân bằng môi trường của da gây kích ứng da nhiều hơn. Vì vậy, nên chọn các sản phẩm rửa mặt có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy. Những sản phẩm dành cho da mụn trên nhãn có ghi "soap-free", "acidic" hoặc "pH balance", không có chất bào mòn (non-abrasive), không cồn (non-alcohol), không sinh nhân mụn (non-comedogenic).
Bên cạnh lựa chọn sữa rửa mặt, việc rửa sao cho đúng cũng được bác sĩ chú ý. Để duy trì làn da sạch mà không quá nhạy cảm, bạn nên rửa mặt sáng, tối với sữa rửa mặt dành cho da mụn. Những lần còn lại trong ngày thì rửa mặt bằng nước ấm.
Khi rửa mặt, hãy thật nhẹ nhàng, đặc biệt là da đang có mụn viêm thì không nên dùng những sản phẩm rửa mặt có hạt, những hạt này sẽ cọ xát trên da, làm da dễ bị trầy xước. Sau đó, Lau mặt nhẹ nhàng bằng bông tẩy trang. Không nên dùng khăn có bề mặt sợi thô ráp để chà xát và lau trên da vì sẽ làm da tổn thương thêm và ngoài ra, khăn sử dụng cũng có thể là nơi vi trùng trú ngụ làm nhiễm trùng da nặng thêm.
Đồng thời, để da mụn không bị kích ứng liên tục chính, bạn cần chú ý:
- Không nặn, không cào gãi vùng da mụn.
- Không để tóc lòa xòa che vùng mặt.
- Không lấy tay sờ lên mặt (không chống cằm, không sờ nặn mụn)
- Nên mang khẩu trang, nón rộng vành khi ra đường. Lưu ý giặt nón và khẩu trang thường xuyên.
- Không nên trang điểm trong thời gian điều trị mụn nếu chưa được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn. Lý do vì nếu sử dụng không đúng cách và chọn không đúng loại mỹ phẩm thì da sẽ ngày càng xấu hơn vì mụn sẽ nổi nhiều hơn.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Mỗi thực phẩm đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sức khỏe làn da của chúng ta. Đặc biệt với các bạn da mụn vốn đã nhạy cảm. Chính vì thế, BS.CKII Nguyễn Lê Trà Mi khuyên các bạn nên ăn thực phẩm giàu vitamin, các axit béo có lợi… đồng thời tránh các loại thực phẩm sau:
- Uống nhiều nước (tránh nước ngọt, rượu, bia…), trung bình uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước/ngày (lưu ý uống rải đều trong ngày, không đợi khát mới uống).
- Không ăn thức ăn ngọt, béo, mỡ (kiêng bánh ngọt, kem, fast food, đồ chiên xào, bánh mì, mì gói, trái cây có vị ngọt đậm, và tất cả những thức ăn dễ gây nổi mụn theo cảm nhận cá nhân).
Chế độ sinh hoạt điều độ
Ngoài ăn uống, bạn nên chú ý duy trì chế độ nghỉ ngơi phù hợp để cơ thể được phục hồi và khỏe mạnh. Việc duy trì sinh hoạt đúng cách giúp cơ thể và cả làn da duy trì vẻ rạng rỡ.
- Nên tập thể dục rèn luyện sức khỏe hằng ngày
- Không thức khuya, nên đảm bảo giấc ngủ từ 0h-3h hằng ngày
- Ngủ đủ giấc 8 giờ/ngày
- Tránh lo lắng, căng thẳng
- Tránh nắng (nên sử dụng kem chống nắng phù hợp hàng ngày, hạn chế ra đường từ 10h sáng đến 4h chiều).
Chế độ điều trị
Để có một chu trình trị mụn thành công bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu ngoài ra, việc điều trị mụn cần có thời gian mới đạt được hiệu quả (ít nhất là 2 tháng, tùy theo từng tình trạng mụn mà bác sĩ sẽ tư vấn kỹ hơn). Chính vì thế, trong quá trình này, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và chăm sóc làn da mình một cách nhẹ nhàng nhất.
Bên cạnh đó, không nên nóng vội kết luận là không hiệu quả mà ngưng điều trị. Điều trị mụn bao gồm cả việc sử dụng kháng sinh, do đó nếu ngưng điều trị sẽ làm cho vi trùng dễ kháng thuốc và hiệu quả điều trị không duy trì được lâu. Điều trị mụn bao gồm thuốc thoa và thuốc uống theo toa và sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Sau khi điều trị mụn thành công, BS.CKII Nguyễn Lê Trà Mi khuyến nghị mọi người chú trọng vào các phương pháp phục hồi da với các thành phần dịu nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý chăm sóc giảm thâm và ngừa sẹo với sản phẩm chuyên dụng. Bởi vì trải qua thời gian mụn, làn da có nguy cơ sẹo cao và nếu điều trị ngay từ đầu sẽ tăng hiệu quả cải thiện vấn đề này tốt hơn.
Với những bạn gặp vấn đề mụn tái đi tái lại nhiều lần, hãy chủ động đến thăm khám với bác sĩ da liễu tại các cơ sở y tế uy tín. Việc tự ý sử dụng thuốc bôi hay sản phẩm có thể khiến mụn nghiêm trọng và khó phục hồi hơn.
Bình luận (0)