Chăm sóc sức khỏe người dân qua nền tảng số

29/05/2024 05:46 GMT+7

Ngành y tế TP.HCM đang triển khai khám sức khỏe cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi và tầm soát sức khỏe cho khoảng 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn.

Khám sức khỏe (KSK) cho người dân để quản lý và đưa ra các chính sách kịp thời là công tác quan trọng đang được ngành y tế TP.HCM và các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh, đồng thời hướng tới lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT), sổ SKĐT, cũng như tích hợp thông tin SKĐT vào ứng dụng VNeID.

A1.jpg

Ngành y tế TP.HCM đang triển khai khám sức khỏe cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi

Nhật Thịnh

KHÁM SỨC KHỎE MIỄN PHÍ CHO TRẺ

Tranh thủ buổi sáng, chị M. (mẹ của bé T.C.H.Đ, 20 tháng tuổi, ở Q.Tân Bình) đưa con đi tiêm chủng tại Trạm y tế (TYT) P.15, Q.Tân Bình. Chị M. cho biết mục đích chính là đi tiêm vắc xin định kỳ, nhưng lúc vào khám, bé Đ. được đo chiều cao và cân nặng, đồng thời bé cũng được bác sĩ (BS) khám tổng quát. BS thăm khám, hỏi các biểu hiện như bé có biết nói những từ cơ bản như "ba, mẹ", hay có thể cầm nắm đồ vật, phản ứng với âm thanh xung quanh, tiếng của ba, mẹ hay mỉm cười với người khác hay không? Bé cũng được khám miệng, bụng, đầu cổ… "Sau khi khám xong, BS đánh giá rằng con hơi nhát với người lạ. BS đề nghị ba, mẹ phải tiếp xúc, vui chơi với con nhiều hơn. Tôi cũng an tâm hơn một chút khi nghe BS nói con chỉ nhát thôi. Vì bận công việc quá nên cháu ở nhà với ông bà nội, ít tiếp xúc với mọi người bên ngoài có lẽ do vậy nên tính cháu hơi nhát, sợ người lạ. Điều này cũng chính là nỗi lo của tôi", chị M. tâm sự.

Tương tự, chị P. (ở P.15, Q.Tân Bình) đưa con 4 tháng tuổi đi tiêm vắc xin tại TYT và bé cũng được BS khám tổng quát các kỹ năng phát triển như cầm nắm đồ vật, mỉm cười với người khác, phản ứng phát ra âm thanh khi có người nói chuyện với bé… "Thường ngày tôi buôn bán nên cũng không để ý đến các vấn đề về tinh thần vận động hay các kỹ năng của con. Khi nghe BS nói rằng thăm khám để có thể phát hiện các triệu chứng bất thường (nếu có) ở con nhằm kịp thời chữa trị. Từ những lời khuyên của BS, tôi sẽ để ý các hành động, cử chỉ của bé nhiều hơn", chị P. nói.

BS Lưu Văn Phát (làm việc tại TYT P.15, Q.Tân Bình) cho biết việc đánh giá tâm thần và vận động của trẻ dưới 24 tháng tuổi được tiến hành chẩn đoán qua quan sát khuôn mặt, dáng đi hay tỷ lệ các bộ phận trên cơ thể bé. Bên cạnh đó, BS cũng sẽ quan sát về cử động của đầu, chân tay, giữ thăng bằng hoặc cảm xúc của bé để đưa ra kết luận và tư vấn cho gia đình. Kết quả trả lời câu hỏi và quan sát các bé sẽ được đánh dấu vào bảng điểm rồi BS đưa ra lời khuyên cho gia đình tiếp tục dành thời gian và chú ý cho sự phát triển của trẻ. Nếu có nghi ngờ về phát triển tâm thần vận động của trẻ thì BS trò chuyện tìm hiểu khó khăn của gia đình và chuyển trẻ đến khám chuyên khoa.

Cũng theo BS Phát, ngành y tế tiến hành thăm khám, chẩn đoán nhằm phát hiện sớm trẻ bất thường về thể chất và tinh thần, lập HSSKĐT để xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật. Từ đó chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

A2.jpg

Khám sức khỏe cho trẻ em tại cơ sở y tế TP.HCM

Nhật Thịnh

NGƯỜI CAO TUỔI CŨNG ĐƯỢC KHÁM MIỄN PHÍ

PV Thanh Niên có mặt tại TYT P.17, Q.Bình Thạnh để ghi nhận tình hình KSK cho người dân. Từ sáng sớm, bà Lê Thị M. (67 tuổi, ở P.17, Q.Bình Thạnh) đã đến TYT để chờ KSK miễn phí. Bà M. cho hay đây là lần thứ hai bà được KSK miễn phí tại TYT. "Lần trước tôi được mời KSK tại TYT, được BS siêu âm và đo huyết áp miễn phí. Lần này, tôi đi khám tiếp để xem sức khỏe ra sao, vì gần đây chân hay đau nhức, đi lại cũng khó khăn hơn. Tôi không ngại lên TYT KSK vì các cô chú BS ở đây rất tốt, ân cần chu đáo. Tôi rất thích", bà M. vui vẻ nói.

Theo đại diện TYT P.17, Q.Bình Thạnh, trong tháng 5, TYT tổ chức KSK miễn phí cho người cao tuổi, với khoảng 300 người được khám. Các buổi KSK được tổ chức vào thứ tư, thứ sáu mỗi tuần trong tháng, giấy mời được gửi đến từng khu phố theo từng đợt nên các cụ không mất thời gian chờ đợi lâu. "Qua đợt thăm KSK tổ chức vào tháng 5 cho thấy số lượng các cụ mắc tăng huyết áp, đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao. Các y, BS đã tư vấn và hướng dẫn các cụ biện pháp phòng ngừa, điều trị, ngay cả về bệnh xương khớp, tim mạch… Đồng thời tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý…", vị đại diện TYT nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Phan Văn Chính, Trưởng phòng Kế hoạch và nghiệp vụ, Trung tâm y tế Q.Tân Bình, cho biết quận này đang tiến hành "cuốn chiếu" để hoàn thành việc KSK cho người cao tuổi trong năm 2024. Mục tiêu là 80% người cao tuổi trên địa bàn quận đều được KSK định kỳ 1 lần/năm. Hồ sơ KSK sẽ được nhập lên hệ thống quản lý sức khỏe cộng đồng, từ đó xác định mô hình sức khỏe và bệnh tật, góp phần chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý ở người cao tuổi.

HƠN 100.000 NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM ĐÃ ĐƯỢC THĂM KHÁM

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay, ghi nhận đã có 96.880 người cao tuổi trên địa bàn được KSK theo mô hình mới do Sở triển khai đến các địa phương. Về mô hình bệnh tật, qua KSK và phân tích cho thấy bệnh tăng huyết áp chiếm 57,52%; đái tháo đường chiếm 15,24%; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 0,76%; bệnh hen chiếm 1,28%; bệnh ung thư chiếm 0,95%... Ngoài ra, qua KSK, Sở Y tế còn ghi nhận được tình trạng thể chất, tinh thần, vận động trên đối tượng người cao tuổi. Cụ thể, có 2,63% được đánh giá giảm chức năng sống cơ bản hằng ngày; 7,78% được đánh giá giảm chức năng cơ bản; 17,41% được đánh giá tiền suy yếu và 1,59% được đánh giá suy yếu.

Chăm sóc sức khỏe người dân qua nền tảng số- Ảnh 3.

Người cao tuổi tại TP.HCM được khám sức khỏe miễn phí

Du Yên

KSK định kỳ là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Năm 2023, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về triển khai KSK, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM năm 2024 (hơn 1 triệu người). "Mục tiêu là đảm bảo mỗi người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM đều được KSK định kỳ, kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, lập HSSKĐT. Từ đó xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân", PGS-TS Nguyễn Anh Dũng khẳng định.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, về việc KSK định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là nhằm đánh giá, đo lường sức khỏe toàn diện nhi khoa, đồng thời phát hiện được các trường hợp bất thường về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Từ đó có hướng xử trí hoặc can thiệp kịp thời về chuyên khoa nhi nhằm giảm nguy cơ, biến chứng, gánh nặng tài chính do bệnh tật mang lại. Sở Y tế đã giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với 3 bệnh viện chuyên khoa nhi xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho nhân viên trung tâm y tế và TYT về các nội dung chuyên môn về KSK định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Theo báo cáo nhanh của HCDC, đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã triển khai KSK cho trẻ dưới 24 tháng tại các TYT, lồng ghép với hoạt động tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Một số địa phương tổ chức đợt riêng ngoài lịch tiêm chủng mở rộng. Hiện các TYT đã KSK được 8.143 trẻ. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số dữ liệu KSK trẻ em để phân tích mô hình sức khỏe nhằm đề xuất các biện pháp can thiệp nếu có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.