Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của GSK

Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) cùng Save the Children trao tặng “Giải thưởng Đổi mới trong Chăm sóc sức khoẻ” (Healthcare Innovation Award) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 triệu USD cho các sáng kiển nổi bật về chăm sóc sức khỏe năm 2015.

Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) cùng Save the Children trao tặng “Giải thưởng Đổi mới trong Chăm sóc sức khoẻ” (Healthcare Innovation Award) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 triệu USD cho các sáng kiển nổi bật về chăm sóc sức khỏe năm 2015.

Theo Trưởng VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM – ông James Strenner, đây là nỗ lực của GSK trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ở những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ông James Strenner - Trưởng VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM phát biểu tại sự kiện.
Ông James Strenner - Trưởng VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TP.HCM phát biểu tại sự kiện.

Xin chào ông Strenner. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của giải thưởng này?
Giải thưởng này là một sáng kiến mang tính đổi mới trong quan hệ hợp tác giữa GSK và Save The Children. Hợp tác được hình thành vào năm 2013 và mục tiêu của chúng tôi là làm sao phối hợp nguồn lực, tầm ảnh hưởng và kiến thức chuyên môn của cả hai tổ chức nhằm cứu mạng một triệu trẻ em.
Với tổng giá trị mỗi năm lên đến 1 triệu USD, giải thưởng này giúp tìm kiếm và vinh danh những phát kiến chăm sóc sức khỏe đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc giảm bớt tỷ lệ tử vong trẻ em ở những quốc gia đang phát triển. Đến thời điểm này, qua 3 năm thực hiên, chương trình đã trao giải cho 12 sáng kiến khác nhau trên toàn cầu.
Tiêu chí và quy trình đánh giá các giải thưởng như thế nào, thưa ông? Những sáng kiến nào đã đạt giải trong năm nay?
Chúng tôi lựa chọn các sáng kiến để trao giải thông qua một quy trình đánh giá khách quan và xuyên suốt gồm 4 bước. Tại mỗi bước đánh giá, các sáng kiến này sẽ được chấm điểm ở nhiều hạng mục nhằm chứng minh tầm ảnh hưởng của sáng kiến đó đối với sức khỏe trẻ nhỏ, khả năng mở rộng quy mô áp dụng, hiệu quả của sáng kiến theo thời gian... Năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi PATH Việt Nam, với ý tưởng Immreg – một hệ thống kỹ thuật số quản lý công tác tiêm chủng ở tỉnh Bến Tre đã dành được giải thưởng có giá trị cao nhất 400.000 USD. 3 giải thưởng khác cũng được trao tặng cùng lúc đến các tổ chức phi chính phủ ở Châu Phi, Ecuador và Kenya cho những nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em.
Vì sao tất cả những giải thưởng năm nay đều được trao cho những sáng kiến ở các nước đang phát triển?
Chúng tôi tin rằng những sáng kiến tuyệt vời nhất sẽ đến từ những con người đang phải thật sự đối mặt với các thách thức về chăm sóc y tế mỗi ngày, và trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng y tế thì họ sẽ biết cách làm thế nào để vượt qua khó khăn và đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả từ Immreg của PATH Việt Nam?
Theo tôi, sáng kiến này đã đưa việc quản lý hồ sơ tiêm chủng tiến vào thời đại số. Thay vì lưu hồ sơ bằng cách viết tay mất thời gian và dễ gặp sai sót, các nhân viên y tế tỉnh Bến Tre bây giờ sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh để giám sát các kho vắc-xin; đăng ký cho phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh; hay theo dõi các mũi vắc-xin họ đã được tiêm. Qua tin nhắn, nhân viên y tế có thể nhắc các bà mẹ về lịch chủng ngừa cho bản thân và cho con mình.
Cũng nhờ Immreg, khoảng thời gian để lập danh sách trẻ đến thời hạn tiêm chủng hàng tháng đã giảm từ một đến hai ngày xuống chỉ còn 5-30 phút. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ năm đầu đời đã tăng từ 74,3 lên 77,8% trong một năm thử nghiệm. Với sáng kiến này, việc theo dõi tiêm chủng cho trẻ em được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro tử vong đến từ những sai sót trong quá trình tiêm chủng.
Cần những điều kiện nào để sáng kiến này được nhân rộng ra cả nước, thưa ông?
Theo chia sẻ từ đại diện PATH Việt Nam, có 3 điều kiện cần để nhân rộng sáng kiến này ra phạm vi cả nước:
Trước tiên, phải có sự cam kết hỗ trợ từ các đơn vị chủ quản từ cấp trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi thói quen và quan điểm của nhân viên chăm sóc y tế vốn đã quen quản lý bằng giấy tờ và bằng tay.
Thứ hai là phải có hệ thống cơ sở vật chất để áp dụng sáng kiến này, như trang bị máy tính và kết nối với internet. Đây thật sự là một thách thức nhưng Trung tâm Y tế dự phòng đã có động thái cam kết hỗ trợ để sáng kiến này được nhân rộng.
Cuối cùng, đó là vấn đề chi phí để thực hiện công tác đào tạo và theo dõi vận hành sáng kiến. Với giá trị giải thưởng 400.000 USD (tương đương 9 tỷ đồng), PATH Việt Nam sẽ có kinh phí để từng bước nhân rộng sáng kiến này trong tương lai.
Chúng tôi hy vọng được chứng kiến những thay đổi và ảnh hưởng tích cực đem lại từ Immreg của PATH Việt Nam và nhiều phụ nữ và trẻ em hơn nữa sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.
Xin chân thành cám ơn Ông James Strenner,
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.