Ghi nhận từ việc chấm thi ở các trường ĐH cho thấy điểm thi của thí sinh chủ yếu trong khoảng 5 điểm.
|
>> Tra cứu điểm thi ĐH-CĐ 2014
Nhiều ngành điểm chuẩn từ 15
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chấm được gần 8.000 bài thi môn toán (khối A và A1). Phổ điểm của các bài thi nằm ở mức 4,5 - 6, cao hơn năm 2013 (dưới 5 điểm), chỉ mới có một điểm 9.
Trong tổng số gần 200 bài thi môn văn (khối D1), điểm cao nhất là 7,25. Phổ điểm của môn văn nằm ở mức 4 - 4,5. Theo PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng, qua quá trình chấm các bài thi, có thể dự đoán điểm chuẩn đa số các ngành khối A, A1 nằm ở mức bằng hoặc trên 15 điểm. Các ngành khối D1 sẽ bằng hoặc hơn năm ngoái (15 - 16 điểm). Những ngành như công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế tạo máy, cơ khí cũng sẽ giống như các năm, có mức điểm chuẩn thấp nhất, khoảng 13 - 14 điểm. Hai ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học thường cao hơn các ngành khác 3 điểm, năm nay nhiều khả năng từ 18 - 19 điểm.
Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM năm nay chỉ chấm 3.685 bài thi môn toán (khối A và A1). Trong 1/3 số lượng bài thi đã chấm chỉ mới có một thí sinh được 8 điểm. Phổ điểm chủ yếu thí sinh đạt được là 4 - 5.
Điểm chuẩn ngành công nghệ tăng, kinh tế giảm
Tối ngày 18.7, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã công bố điểm thi (thông tin chi tiết xem tại đây). Năm nay trường có 2 thủ khoa cùng đạt 26 điểm là Nguyễn Hữu Tấn (khối A, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) và Nguyễn Khoa Chương (khối A1, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM). Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng, điểm chuẩn dự kiến các ngành kỹ thuật công nghệ tăng từ 0,5 đến 2 điểm. Các ngành kinh tế dự kiến giảm 0,5 điểm.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Trường đã chấm xong các môn tự luận gồm môn toán khối A và D, môn văn khối D. Kết quả chỉ có một bài thi môn toán khối A đạt điểm 10, còn lại phổ điểm chỉ ở mức 7 - 8 điểm, rất ít điểm 9. Môn văn điểm cao nhất là 8,5 điểm. Dự kiến mức điểm chuẩn năm nay sẽ không cao hơn năm trước, một số ngành có thể thấp hơn”.
GS-TS Phạm Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thông tin vẫn đang chấm thi và đã xuất hiện 4 bài thi môn toán đạt điểm 10, có nhiều bài từ 9 điểm trở lên. Nhìn chung phổ điểm thi năm nay của thí sinh khá cao, trung bình từ 6 - 8 điểm. Tuy nhiên điểm chuẩn năm nay sẽ không cao hơn năm trước, có thể thấp hơn một chút bởi chỉ tiêu của nhà trường năm nay tăng hơn.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nhập xong điểm thi và đang trong giai đoạn kiểm dò. Năm nay trường có 2 thủ khoa cùng đạt 28,5 điểm ở khối A. Toàn trường có 39 bài thi đạt điểm 10, trong đó có 2 bài môn toán, 20 bài môn hóa và 17 bài môn tiếng Anh. Riêng môn vật lý bài thi cao nhất chỉ đạt 9,75. Số bài thi đạt điểm 10 môn hóa giảm mạnh so với năm ngoái (2013 môn này có khoảng 100 điểm 10). Tiến sĩ Lê Đình Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết dự kiến điểm chuẩn sẽ tương đương năm ngoái.
Xét tuyển thêm
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển các ngành theo đề án tuyển sinh riêng gồm: 18 điểm bậc ĐH và 16,5 điểm bậc CĐ (khối A, A1, B, C, D1). Đây là tổng điểm trung bình 3 môn theo từng khối thi trong 6 học kỳ THPT. Ở đợt xét tuyển này, trường nhận được 1.195 hồ sơ hợp lệ trong tổng số 1.300 chỉ tiêu nên trường tiếp tục thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 2 đến hết ngày 15.8. Thí sinh trúng tuyển sẽ làm thủ tục nhập học từ 29.7 đến 1.8.
Ông Phan Huy Phú - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết, điểm thi của thí sinh vào trường năm nay cao hơn năm trước, môn toán khối A có 20% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên, đối với khối D và B là 25%; điểm thi môn văn có hơn 30% thí sinh đạt trên trung bình. Trường dự kiến lấy điểm chuẩn năm nay bằng mức điểm thấp nhất đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ và sẽ xét tuyển 1.500 chỉ tiêu.
3 mức điểm xét tuyển dành cho ĐH, 1 mức cho CĐ Ngày 18.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thanh tra công tác chấm thi tại các trường ĐH ở TP.HCM. Ông Ga nhận định: “Kết quả thanh tra chấm thi năm nay đúng như mong đợi. Cụ thể là điểm thấp ít và điểm tuyệt đối cũng ít. Các năm, số lượng điểm 10 rất nhiều tại các trường như ĐH: Bách khoa TP.HCM, Kinh tế TP.HCM... Có năm từ 30 - 40 điểm 10, năm nay mỗi trường chỉ có khoảng 3 - 4 điểm 10. Phổ điểm của các trường cũng rất tốt. Mọi năm đỉnh của phổ điểm dịch bên tay trái, nay dịch dần bên tay phải. Điểm của thí sinh đa số nằm khoảng 5 điểm”. Theo ông Ga, khi phổ điểm phủ đều như vậy, việc chia mức điểm xét tuyển sẽ dễ dàng hơn trước đây. Trước đây phổ điểm quá “dốc”, chỉ nhích một xíu, số lượng thí sinh thay đổi rất nhiều. Nay phổ điểm “thoải” ra, khoảng cách số lượng thí sinh giãn ra, sẽ chia các mức điểm xét tuyển này thuận lợi hơn. “Dự kiến sẽ có 3 mức xét tuyển dành cho ĐH, một mức dành cho CĐ. Tuy nhiên, cụ thể có bao nhiêu mức, phải chờ hội đồng tư vấn xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ quyết định. Vào tuần đầu tháng 8, khi có kết quả chấm thi của các trường, Bộ cũng sẽ công bố các mức xét tuyển này”, ông Ga thông tin. Năm nay, trước khi chấm, hội đồng phải thống nhất với nhau rất kỹ để thống nhất về đáp án và thang điểm, phải chấm hai vòng độc lập. Trước khi chấm, chấm 5% bài thi để thống nhất cách chấm, thang điểm. Với những môn là đề mở thì việc chấm trước sơ bộ là rất quan trọng. Đăng Nguyên |
Đăng Nguyên - Hà Ánh - Vũ Thơ
>> Chấm thi tuyển sinh đại học: Hiếm bài thi điểm 10
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Chấm thi sẽ linh hoạt hơn
>> Nỗi lòng người thầy đi chấm thi
>> Giáo viên luyện thi không được coi thi, chấm thi
Bình luận (0)