Riêng đối với đề môn ngữ văn, theo nhiều giám khảo tại TP.HCM, qua việc chấm thi cho thấy hệ lụy của việc học thuộc lòng, học theo văn mẫu thể hiện rất rõ trong bài làm của thí sinh.
NHIỀU BÀI VĂN NA NÁ NHAU...
Đó là nhận xét của nhiều giám khảo đang chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Điều này thể hiện rõ nhất và chủ yếu ở câu 2 phần nghị luận văn học, khi đề yêu cầu phân tích một đoạn thơ trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Lý giải hiện trạng này, một giáo viên dạy văn ở TP.HCM nói: "Đoạn trích Đất Nước là một trong 4 văn bản tiêu biểu về thể loại thơ trong chương trình lớp 12, thuộc trọng tâm ôn thi tốt nghiệp THPT. Trường nào cũng có tài liệu, văn mẫu cho học sinh ôn thi. Thậm chí có nhiều bài văn mẫu được học sinh nhiều trường dùng. Trong khi đó đoạn trích đề thi cho năm nay lại là đoạn thơ tiêu biểu nhất của văn bản Đất Nước, nên việc học sinh làm bài na ná nhau là điều dễ hiểu...".
Ôn bài theo văn mẫu khiến thí sinh rơi vào thế bị động, do lệ thuộc kiến thức chứ chưa phải làm chủ kỹ năng. Vì vậy mà sau mỗi lần thi, thí sinh than với nhau là ôn bài này kỹ, hay bài kia chưa ôn, trúng tủ hay bị "tủ... đè". Với bài làm văn năm nay, nhiều thí sinh giống nhau về cách giới thiệu tác giả, cách diễn đạt ở phần triển khai, cách đưa dẫn chứng liên hệ. Thậm chí kể cả những lỗi sai cũng... giống nhau. Chẳng hạn, những hình ảnh như "con chim phượng hoàng...", "con cá ngư ông..." trong đoạn thơ đều bị học sinh hiểu sai là nói về chuyện "Ăn khế trả vàng", chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" ở tận trời Tây!
Theo các giám khảo, việc liên tục gặp nhiều bài văn mẫu trong bài làm của thí sinh cho thấy đây là một hiện tượng "đạo văn" mà vô tình các em không nhận thức rõ. Đọc những bài làm này rất "nhàm chán" vì quen thuộc. Thường với những bài này thì giám khảo cho điểm ở mức khá (3 - 3,5 trên thang điểm 5) là tối đa. Những bài làm điểm tốt (từ 4 - 5 điểm) phải là những bài mang dấu ấn sáng tạo của riêng mình.
Với đề thi phân tích thơ, nếu thí sinh nắm vững dàn ý, kỹ năng phân tích một đoạn thơ trữ tình thì mọi đoạn thơ (kể cả chưa bao giờ đọc) cũng có thể dễ dàng làm được như cách yêu cầu của lớp 10, 11 thuộc chương trình mới 2018 áp dụng 2 năm nay.
ĐỀ TÀI QUEN THUỘC NHƯNG THÍ SINH THIẾU SỰ SÁNG TẠO
Đất nước là một đề tài quen thuộc. Học sinh đã được học các văn bản theo nhóm chủ đề này ở hầu hết các cấp học từ tiểu học đến THPT. Có rất nhiều bài thơ viết về đất nước, từ giản dị đơn sơ đến sâu sắc thâm trầm, như Quê hương (Đỗ Trung Quân), Quê hương (Giang Nam), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế Lan Viên... Vậy mà, tiếc thay, rất hiếm thí sinh có sự liên hệ, so sánh với các văn bản này để bài làm có chiều sâu, có điểm sáng tạo...
Điểm quan trọng nữa, hình tượng đất nước trong đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm có rất nhiều hình ảnh về văn hóa, phong tục, đời sống của ông cha xưa. Nhiều thí sinh không chịu tìm hiểu kỹ nên chưa cảm nhận hết ý nghĩa và vẻ đẹp của nó. Vì vậy bài làm khô cứng, máy móc, khuôn sáo... Đây cũng là một hậu quả nữa của việc quá lệ thuộc vào văn mẫu, mà thiếu sáng tạo của cách học và thi của môn văn tồn tại bấy lâu nay.
Dự kiến công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT lúc 8 giờ ngày 17.7
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn dự kiến vào 8 giờ ngày 17.7, không công bố trước thời điểm này như thông tin trên một số báo chí và mạng xã hội.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, sau khi công bố kết quả thi, chậm nhất từ ngày 19 - 21.7, sở GD-ĐT các địa phương sẽ tiến hành xét công nhận và công nhận tốt nghiệp THPT; chậm nhất ngày 23.7 sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Từ 17 - 26.7 sẽ thu nhận đơn phúc khảo của thí sinh (nếu có). Chậm nhất 9.8 xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
Tuệ Nguyễn
Chờ đợi thay đổi khi thực hiện thi theo chương trình mới
Ngay sau khi kết thúc giờ thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày 27.6, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng giải thích về đề thi ra vào tác phẩm "trúng tủ" với TS, trùng với đồn đoán của mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra.
Khẳng định "đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối", Bộ GD-ĐT lý giải: "Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với TS là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó".
Nhiều giáo viên cũng cho rằng chỉ khi thi theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều sách giáo khoa khác nhau và đề thi sẽ không ra vào một tác phẩm trong cuốn sách giáo khoa nào, thì tình trạng suy đoán đề ngữ văn mới có thể giảm bớt hoặc chấm dứt.
Cô Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ: "Bắt đầu từ sang năm, theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn".
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)