Chấm thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh yếu kỹ năng đọc hiểu

09/06/2014 03:15 GMT+7

Chỉ ngày đầu tiên chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn đã thấy nhiều vấn đề trong bài làm của thí sinh qua việc "cọ xát" với đề thi theo hình thức đổi mới.

Chỉ ngày đầu tiên chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn đã thấy nhiều vấn đề trong bài làm của thí sinh qua việc "cọ xát" với đề thi theo hình thức đổi mới.

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh yếu kỹ năng đọc hiểu
Thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM) vào phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều lợi thế cho thí sinh

Sự khác biệt nhiều nhất trong đề thi năm nay là thay đổi cấu trúc câu hỏi và các yêu cầu cho từng câu hỏi. Trước đây các câu hỏi được tách riêng, rạch ròi giữa nghị luận xã hội với nghị luận văn học thì nay các câu hỏi được lồng ghép vào từng phần của phần đọc hiểu và phần làm văn. Mỗi phần đều yêu cầu học sinh trình bày quan điểm, chính kiến cá nhân về vấn đề thời sự, xã hội... Điều này giúp học sinh dễ "gặt" điểm. Thay vì phải ôn kỹ, ôn sâu từng tác phẩm, thậm chí cả học tủ, học "vẹt" (nếu không ôn, hoặc không nhớ gì cả về tác phẩm có trong đề thi thì xem như bỏ giấy trắng) như trước đây thì nay thí sinh chú trọng nhiều về tư duy xã hội, kỹ năng trình bày, lập luận... Nên nhiều hay ít, thí sinh đều làm bài được. Chứ không còn kiểu suy nghĩ là "ôn trúng tủ" như các kỳ thi trước đây!

Cấu trúc đề thi cũ, theo thang điểm: 2; 3; 5; thì riêng ở câu 2 điểm (gọi là câu tái hiện kiến thức) rất nhiều thí sinh làm sai hoặc bỏ trống. Nếu thí sinh không ôn kỹ văn bản, không nhớ các chi tiết hoặc không hiểu ý nghĩa thì không thể đạt được điểm. Nhưng câu 2 điểm này lại rất quan trọng. Theo kinh nghiệm chấm môn văn nhiều năm, tôi nhận thấy nếu không có điểm ở câu này xem như bài làm dưới trung bình. Trong khi đó, câu hỏi phần đọc hiểu của đề thi năm nay không khó. Ví dụ như câu hỏi 1 của phần đọc hiểu. Câu này trong thang điểm đáp án là 1,0 điểm thì phần lớn thí sinh đạt được từ 0,75 - 1,0 điểm.

Điều cần thấy nữa là với chủ trương ra đề theo hướng đổi mới để tránh học tủ, học "vẹt" và chủ trương chấm theo hướng mở nên trong hướng dẫn chấm, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu giám khảo "tránh cách đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo". Trong một thực tế của đề thi mà "chất" xã hội nhiều hơn văn học thì cảm xúc và sáng tạo của học sinh sẽ rất đa dạng, phong phú...

Đây là những lợi thế để có được điểm môn văn khả quan cho thí sinh cả nước năm nay.

3 điểm yếu trong bài làm của thí sinh

Đầu tiên là kỹ năng đọc hiểu văn bản của một số thí sinh còn yếu, chậm; tư duy phân tích chưa sâu. Điều này có thể do thói quen đọc nhiều truyện tranh mà ít đọc văn xuôi! Ở lớp học thì đọc qua quýt văn bản ở sách giáo khoa. Mọi thứ đều ỷ lại có bài giảng của giáo viên hoặc tài liệu học tập rồi. Vì vậy, việc đưa phần đọc hiểu vào cấu trúc đề thi môn ngữ văn là thật sự cần thiết vì điều này giúp cho học sinh ý thức rõ và cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đặc biệt trong một bối cảnh mà "văn hóa đọc" đang xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Điểm yếu thứ hai là thí sinh không đọc kỹ và phân tích đúng các yêu cầu của câu hỏi. Ví dụ yêu cầu của câu 3 phần đọc hiểu là "viết đoạn văn" thế mà nhiều thí sinh lại viết thành nhiều đoạn văn, thậm chí cả bài văn. Mặc dù bài làm thật tốt cũng bị mất điểm.

Ở dạng đề thi cũ, câu hỏi nghị luận văn học thường có hàm lượng nội dung trả lời khá dài. Nếu trích dẫn thì đề thường cho một đoạn thơ. Đề thi năm nay lại trích dẫn một đoạn kịch, tức là một phần rất ít của văn bản. Cách ra này phù hợp với thời gian làm bài 120 phút nhưng dẫn đến tình cảnh thí sinh bị "hụt ý" vì kỹ năng phân tích một khía cạnh vấn đề đến tận cùng chiều sâu không có. Kết quả cuối cùng là bài làm của thí sinh thường ngắn, hoặc chung chung theo phân tích tác phẩm.

Điểm yếu lớn nhất của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay lại rơi vào điểm đổi mới nhiều nhất của đề thi tốt nghiệp: xây dựng, tạo lập một bài làm văn theo hướng đề tích hợp. Nói cách khác, đó là làm thế nào để viết một bài văn hoàn chỉnh về bố cục vừa có yêu cầu nghị luận văn học vừa xã hội. Nhiều thí sinh có cách trình bày riêng. Có bài kết hợp cả hai mặt để nghị luận song song. Cách viết này khó, dễ tạo sự nhập nhằng. Có bài nghị luận văn học trước, xã hội sau nhưng sự kết hợp giữa hai phần chưa thật hợp lý. Ngô nghê nhất là những bài làm tách ra thành 2 bài nghị luận riêng. Những bài này dĩ nhiên bị trừ điểm.

Chủ trương của Bộ GD-ĐT là sẽ tiếp tục đổi mới đề thi cho kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2014. Thế nên những lợi thế và điểm yếu qua kỳ thi tốt nghiệp rất cần để thí sinh chuẩn bị dự thi CĐ, ĐH sắp tới.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường Lý Tự Trọng, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.