Chạm tới các vì sao

25/01/2014 03:00 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26.1.1950 - 26.1.2014), Thanh Niên xin giới thiệu bài viết riêng của chuyên gia Pallava Bagla về những thành tựu không gian đáng tự hào mà nước này đã đạt được.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ(26.1.1950 - 26.1.2014), Thanh Niên xin giới thiệu bài viết riêng của chuyên gia Pallava Bagla về những thành tựu không gian đáng tự hào mà nước này đã đạt được. 

Chạm tới các vì sao
Tên lửa đẩy PSLV-C25 cất cánh đưa vệ tinh thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ vào không gian hôm 5.11.2013 - Ảnh: ISRO

Ấn Độ ít khi được nhắc đến trong danh sách các cường quốc không gian trên thế giới, nhưng thực tế là nước này đang dần hoàn thiện khả năng không gian vũ trụ của mình. Ấn Độ đã tự sản xuất và phóng tên lửa đẩy hạng nặng cũng như phát triển những vệ tinh phức tạp và tân tiến nhất. Năm 2009, chuyến nghiên cứu mặt trăng đầu tiên của New Delhi với vệ tinh Chandrayaan-1 đã mang về bằng chứng cho thấy có nước trên bề mặt của mặt trăng. Mới đây, Ấn Độ tiếp tục đạt thành tựu lớn khi lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh tự hành Mars Orbiter, hay còn gọi là Mangalyaan, để tiến về sao Hỏa. Trước đó, chỉ mới có Mỹ, Nga, EU, Nhật Bản và Trung Quốc nỗ lực chinh phục hành trình hơn 680 triệu km này.

Buổi chiều ngày 5.11.2013, tên lửa PSLV chở Mars Orbiter thẳng tiến vào không gian, để lại một vệt sáng rực trên bầu trời Trung tâm không gian vũ trụ công nghệ cao ở Sriharikota. Trong 7 tháng tới, vệ tinh nhỏ nặng 1.340 km này mang theo giấc mơ và khát vọng của đất nước hơn một tỉ dân muốn trở thành quốc gia châu Á đầu tiên vươn đến được sao Hỏa bằng chính thực lực của mình. Trong số các bên từng gửi vệ tinh đến hành tinh Đỏ, chỉ có Nga, Mỹ và EU là thành công.

Mars Orbiter hoàn toàn được phát triển, sản xuất nội địa chỉ trong thời gian 15 tháng và khoảng 500 chuyên gia đã nỗ lực tột bật để chuẩn bị cho nhiệm vụ sao Hỏa. Toàn bộ chi phí cho cuộc hành trình chỉ vào khoảng 70 triệu USD. Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu không gian vũ trụ Ấn Độ (ISRO) K.Radhakrishnan khẳng định chuyến phi hành thực sự là “một cuộc trình diễn công nghệ”, chứng tỏ cho thế giới thấy nước ông đủ khả năng thực hiện được “cú nhảy tới các hành tinh”.  

Vũ trụ và nhà vệ sinh

Vẫn đang có nhiều tranh cãi rằng nhiệm vụ sao Hỏa là bước tiến khổng lồ hay một bước tập tễnh ngờ nghệch của một quốc gia vẫn còn 600 triệu dân chưa có được cái nhà vệ sinh cho đàng hoàng. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý Ấn Độ đã thực hiện được một chuyến du hành không gian với chi phí thấp nhất trong lịch sử và có thể sẽ mở đường cho xu hướng thăm dò sao Hỏa giá rẻ.

Vả lại, lâu nay Ấn Độ được công nhận là một trong những nước dẫn đầu trong nỗ lực dùng công nghệ không gian để phục vụ thiết thực cho đời sống chứ không chỉ đơn thuần “làm chuyện trên trời”. Nhà vật lý Vikram Sarabhai, cha đẻ chương trình không gian vũ trụ Ấn Độ từng nói: “Một số người thắc mắc liệu hoạt động không gian vũ trụ có thích hợp ở một đất nước đang phát triển hay không. Nhưng chúng tôi không tính chuyện viển vông. Chúng tôi đặt mục tiêu dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cho các vấn đề sát sườn của con người và xã hội”.

Theo đuổi tinh thần đó, ISRO đã và đang chú trọng phục vụ những nhu cầu thiết thực nhất của người dân. Nhờ vệ tinh Ocean Sat, giới chức có thể giúp ngư dân định vị những vùng đánh bắt hiệu quả nhất ngoài khơi. Vệ tinh là công cụ đắc lực trong việc thống kê, vẽ bản đồ, thu thập dữ liệu và bảo tồn rừng hay đã giúp cứu hàng ngàn mạng sống mỗi mùa mưa bão khi hỗ trợ các chuyên gia dự đoán trước gió lốc và những cơn bão lớn… Với 10 vệ tinh trên quỹ đạo, Ấn Độ hiện có đội vệ tinh thông tin lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, giúp tạo ra 500 kênh truyền hình trong khu vực và thế giới. Thậm chí, trong một thời gian dài, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã sử dụng dữ liệu thu được từ vệ tinh ResourceSat của Ấn Độ để dự đoán năng suất mùa màng cho các trang trại nước này. Hiện hai bên đang thăm dò khả năng hợp tác sản xuất một vệ tinh nghiên cứu biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Vì thế, trước những tranh cãi liên quan đến cuộc phóng vệ tinh Mars Orbiter, Chủ tịch ISRO K.Radhakrishna quả quyết: “Chúng tôi sẽ không quay lưng với trái đất mà luôn nỗ lực hết mình để góp phần vào tiến trình phát triển của đất nước”.   

Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ an ninh với Nhật

Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 25 - 27.1, Trưởng ban Phụ trách các vấn đề Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gautam Bambawale nhấn mạnh nước ông ưu tiên nâng cấp quan hệ an ninh với Nhật Bản, theo Đài NHK. Ông Abe sẽ trở thành vị thủ tướng Nhật đầu tiên được mời tham dự lễ mừng Ngày Cộng hòa Ấn Độ và quan sát cuộc diễu binh tại New Delhi vào sáng mai 26.1. Ông Bambawale đánh giá đây là bằng chứng cho quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa 2 nước, đặc biệt là về an ninh và kinh tế. Tờ Nikkei dẫn một số nguồn tin cho hay nhân dịp này, Thủ tướng Abe dự kiến sẽ công bố các khoản vay lãi suất thấp trị giá 2 tỉ USD cho Ấn Độ để phát triển các dự án tuyến đường xe điện ngầm và năng lượng.

Văn Khoa

Pallava Bagla    

* Pallava Bagla là nhà báo, chuyên gia về lĩnh vực vũ trụ, tên lửa và công nghệ không gian nổi tiếng của Ấn Độ, tác giả cuốn sách Destination Moon: India’s Quest for the Moon, Mars and Beyond (Tạm dịch: Mục tiêu mặt trăng: Hành trình vươn đến mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa của Ấn Độ).

>> Sri Lanka bắt 25 ngư dân Ấn Độ
>> Vợ bộ trưởng Ấn Độ chết sau khi tố chồng ngoại tình
>> Giẫm đạp tại Ấn Độ, 18 người chết
>> Ấn Độ nghi Mỹ điều Edward Snowden sang nghe lén từ 2010
>> Lại hiếp dâm tập thể ở Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.