Chậm xóa độc quyền điện, xăng

15/06/2012 03:57 GMT+7

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng liên tục nhận trách nhiệm quản lý trước nhiều vấn đề nóng được các ĐB đặt ra trong phiên chất vấn ngày hôm qua 14.6, như chậm xóa bỏ độc quyền điện, xăng dầu, thương lái Trung Quốc thu mua nông sản, rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2.

“Bộ chưa thực sự tích cực”

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) làm nóng phiên chất vấn, yêu cầu Bộ trưởng giải trình trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi để tồn tại quá lâu tình trạng độc quyền ngành điện, lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện kéo dài tới 17 năm, ngành xăng dầu cũng đã kéo dài và hình thành độc quyền kép.

Nêu lại đặc thù ngành điện, xăng dầu là độc quyền tự nhiên, do lịch sử để lại, Bộ trưởng Hoàng cho biết ngày 1.7.2012 sẽ chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, đến năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Lộ trình tương đối dài vì điện là mặt hàng liên quan tới đời sống kinh tế xã hội, bước đi phải thận trọng. Tương tự, độc quyền xăng dầu là câu chuyện do lịch sử để lại, hiện Petrolimex đang chiếm khoảng 60% thị phần, nhưng cũng đã có 12 đầu mối xăng dầu tham gia thị trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm chưa làm hết sức để tham mưu, kiến nghị, báo cáo QH, Chính phủ, để kéo dài độc quyền quá lâu với hai ngành này.

Bộ trưởng Hoàng cho biết trong quá trình tái cơ cấu sẽ tham mưu phù hợp hơn cho Chính phủ. Về lĩnh vực điện, trước mắt Bộ Công thương đã kiến nghị tách khâu truyền tải khỏi khâu phân phối, thành lập 3 tổng công ty phát điện độc lập. Về xăng dầu, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét lại các bất cập của Nghị định 84 theo yêu cầu của Chính phủ, như quỹ bình ổn giá, tần suất điều chỉnh giá và trách nhiệm của thương nhân đầu mối.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Hùng tiếp tục đặt lại câu hỏi: lộ trình tại sao phải kéo dài, vì càng để lâu càng bất lợi. Dẫn lại thực tiễn từ xóa bỏ độc quyền thành công của ngành bưu chính viễn thông, ĐB Hùng cho rằng: “Tôi nghĩ Bộ chưa thực sự tích cực. Việc rút ngắn lộ trình, tôi đủ cơ sở niềm tin Bộ trưởng làm được, phải chăng là thiếu sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm?”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng cuối năm nay khi báo cáo QH phải nêu rõ nghiên cứu giải quyết như thế nào, có rút ngắn được lộ trình không?

Được mời trả lời thêm, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giải thích, yêu cầu của Chính phủ là phải thận trọng, thử nghiệm thành công thì mới được chuyển sang bước tiếp theo, đáp ứng nhu cầu điện và không gây rối loạn thị trường. Quá trình thị trường hóa giá điện chậm một phần do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp điện lực, cả EVN và tư nhân, đều gặp khó khăn về tài chính, riêng EVN chênh lệch tỷ giá trong 2 năm qua đã hơn 25.000 tỉ đồng.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) hỏi: “Vì sao khi giá xăng thế giới tăng thì giá trong nước tăng ngay với mức tăng cao, nhưng khi giá xăng dầu thế giới hạ thì trái lại giá trong nước hạ không kịp thời, rất chậm, không đáng kể. Có sự tác động của lợi ích nhóm hay không, hay liên quan đến độc quyền doanh nghiệp xăng dầu?”. Bộ trưởng Hoàng trả lời: “Quan trọng nhất là khi giá thế giới thay đổi thì giá trong nước phải thay đổi. Đúng như ĐB phản ánh, điều chỉnh một là chưa kịp thời, hai là có hiện tượng giá thế giới giảm tương đối mạnh mà giá trong nước giảm có mức độ. Điều này theo cơ chế vận hành theo Nghị định 84, sử dụng quỹ bình ổn giá và công cụ thuế đảm bảo khi giá xăng dầu tăng quá cao không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi giá thế giới hạ thì trước hết doanh nghiệp phải có trách nhiệm hạ để đảm bảo nhu cầu của người dân”. Bộ trưởng Hoàng cũng khẳng định “không có cơ sở để nói lợi ích nhóm”.

Trả lời câu hỏi về giải pháp xóa bỏ bất cập giá than, điện của ĐB Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương), Bộ trưởng Hoàng cho biết, sắp tới trong điều chỉnh giá điện sẽ tính tới phân biệt và tính một mức giá khác với các hộ tiêu thụ nhiều điện như ngành thép.

Chậm xóa độc quyền điện, xăng
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Công thương - Ảnh: Ngọc Thắng

Sông Tranh 2: Không an toàn kiên quyết dừng

Lặp lại câu hỏi đến lần thứ hai, ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng Hoàng trả lời dứt khoát lưu lượng thấm 75 lít/s tại đập thủy điện Sông Tranh 2 tiêu chuẩn nào cho phép? Theo Bộ trưởng Hoàng, “rò rỉ thủy điện Sông Tranh 2 là sự cố hy hữu” nhưng đến nay, chưa có cơ sở để nói Sông Tranh 2 không an toàn. Tuy nhiên, mức thấm 75 lít/s là lớn quá mức cho phép, sau khi xử lý, nếu không an toàn sẽ kiên quyết cho dừng.

Trả lời thêm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói: “Cá nhân tôi khẳng định đập Sông Tranh 2 đã an toàn”. Việc chống thấm khắc phục, tư vấn Thụy Sĩ cũng sẽ kiểm tra chéo, và chỉ tích nước khi đập đã an toàn.

Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát tác động của các dự án thủy điện nhỏ và vừa, qua đó loại 52 dự án thủy điện nhỏ (theo quy hoạch cả nước có 1.097 dự án thủy điện). Hiện Bộ cũng đang rà soát lại hiệu quả kinh tế, tính khả thi của nhiều dự án thủy điện khác, như Đồng Nai 6, 6A.

Rà soát việc thu mua nông sản

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) về việc thương lái Trung Quốc thu mua nông sản, Bộ trưởng Hoàng nói nhiều thương nhân nước ngoài hoạt động không đúng quy định như trực tiếp thu mua nông sản, nợ đọng nông dân. Bộ Công thương đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các Sở Công thương rà soát, nếu có thương nhân nước ngoài nào hoạt động sai trái, kịp thời báo cáo để xử lý, từ nhắc nhở, xử phạt đến yêu cầu chấm dứt hợp đồng, đền bù các thiệt hại gây ra.

Cần phải phát triển Công nghiệp hỗ trợ

Chuyển từ nền công nghiệp (CN) có giá trị gia tăng thấp sang nền CN có giá trị gia tăng cao, phải phát triển CN hỗ trợ, gần đây Chính phủ mới ban hành chính sách phát triển trọng điểm CN hỗ trợ. Tôi cho rằng quyết định này chưa đủ sức kích thích phát triển. Muốn phát triển CN hỗ trợ, không tách rời việc khuyến khích vai trò của DN vừa và nhỏ, thậm chí có những nước xây dựng khu công nghiệp cho DN vừa và nhỏ. Hàn Quốc có luật quy định trong nhiều lĩnh vực sản xuất không cho các tập đoàn làm, mà chỉ cho phép DN vừa và nhỏ, nhưng chúng ta chưa có được tầm chiến lược như vậy. Tôi rất tiếc phần trả lời về CN phụ trợ của Bộ trưởng Công thương và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Đây sẽ là vấn đề cần tiếp tục đưa ra và kiến nghị với Quốc hội. Gốc của tái cấu trúc là chuyển từ gia công sang sản xuất, mà nền tảng là CN hỗ trợ, nhưng chúng ta lại chưa làm được vấn đề này.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)

N.Minh - M.Hà (ghi)

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.