Chấn chỉnh việc thu tiền để tổ chức lễ hội đâm trâu

29/08/2018 15:47 GMT+7

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và báo cáo về thông tin thu tiền tổ chức lễ hội đâm trâu ở Thừa Thiên-Huế mà báo chí phản ánh.

Ngày 29.8, Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế "kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về kế hoạch tổ chức Lễ hội đâm trâu tại xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, để có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời xử lý những vi phạm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội". Báo cáo gửi về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 10.9, để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ông Cao Chí Hải, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết sau khi có thông tin Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra ngay việc tổ chức lễ hội đâm trâu của UBND xã Hồng Tiến.

"Việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực là trái với chủ trương của ngành văn hóa hiện nay. Trước đây ở Thừa Thiên-Huế cũng tồn tại tập tục này ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Nhưng sau nhiều nỗ lực vận động của các ban ngành, lễ hội đâm trâu đã không còn ở hai huyện này. Thu tiền của người dân để tổ chức lễ hội như vậy thì càng sai. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay”, ông Hải nói.

Các già làng tổ chức nghi lễ cúng Giàng và không còn tục đâm trâu rùng rợn Ảnh: B.N.L
Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cũng cho biết: "Đây là việc làm sai, UBND thị xã Hương Trà đã cho kiểm tra, chấn chỉnh và sẽ xử lý việc làm tùy tiện này của UBND xã Hồng Tiến". 

Trước đó, nhiều hộ dân ở xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) phản ánh chính quyền xã Hồng Tiến yêu cầu mỗi hộ dân đóng 300.000 đồng để tổ chức lễ hội đâm trâu.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, cũng đã xác nhận có việc yêu cầu các hộ dân nộp 300.000 đồng/hộ để tổ chức lễ hội đâm trâu. Dự kiến lễ hội này sẽ được tổ chức ngay tại sân UBND xã Hồng Tiến vào ngày đại đoàn kết toàn dân tộc 18.11 sắp tới.

Theo ông Hòa, lễ hội này là kế thừa văn hóa của người đồng bào Pa-hi tại địa phương. “10 năm trước lễ hội này đã được tổ chức một lần và các vị lãnh đạo, già làng năm đó cũng đã hứa là 10 năm sau sẽ tổ chức lễ hội đâm trâu lại. Chúng tôi chỉ kế thừa thôi”, ông Hòa nói.

Xã Hồng Tiến có 347 hộ dân, trong đó có 46 hộ nghèo không bắt buộc đóng, còn lại 301 hộ đều phải nộp tiền tổ chức lễ, dự kiến số tiền thu được hơn 90 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, có hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới trước đây đồng bào dân tộc vẫn tổ chức lễ hội đâm trâu để mừng mùa, nhưng hiện nay thực hiện nếp sống văn hóa mới, các lễ hội này đã bãi bỏ tục đâm trâu và giữ lại hoạt cảnh tượng trưng với các điệu múa, lời ca và các sinh hoạt văn hóa thể thao vui tươi lành mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.