Chấn động âm mưu đảo chính ở Đức: Phong trào cực hữu Reichsbürger nguy hiểm đến mức nào?

08/12/2022 11:30 GMT+7

Cảnh sát Đức vừa bắt giữ hàng chục thành viên của phong trào cực hữu Reichsbürger đang âm mưu lật đổ chính phủ và thay đổi trật tự hiến pháp nước này. Vậy Reichsbürger là gì và nguy hiểm đến mức nào?

Cảnh sát Đức áp giải một nghi phạm trong vụ bắt giữ nhóm theo phong trào cực hữu ở Karlsruhe hôm 7.12

reuters

Hôm 7.12, cảnh sát Đức triển khai đợt bố ráp quy mô lớn, trải rộng ở phạm vi 11 bang, để truy quét các thành viên của “Reichsbürger”, theo Reuters dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức. Đây là tổ chức vũ trang cực hữu nhiều tháng qua theo đuổi âm mưu chuẩn bị cho “Ngày X”, thời điểm lật đổ chính phủ. Một số nghi phạm đã bị bắt trong đợt truy quét, trong đó có các cựu quân nhân và một cựu nghị sĩ của quốc hội Đức.

Kể từ tháng 11.2021, nhóm này nhiều lần bí mật họp kín, lén lút tập bắn súng để chuẩn bị cho một cuộc lật đổ chính quyền. Tài liệu cảnh sát tịch thu cho thấy các nghi phạm không ngần ngại dùng vũ lực hoặc sẵn sàng giết người.

Đức bắt giữ 25 nghi phạm âm mưu đảo chính bạo lực giành chính quyền

DW dẫn lời nhà xã hội học Timo Reinfrank, Giám đốc điều hành Tổ chức Amadeu Antonio chống chủ nghĩa cực đoan, cực hữu, bài Do Thái, cho rằng âm mưu đảo chính khó có thể thành công ở Đức, vì trật tự nhà nước và hiến pháp thật sự vững chắc trước bất kỳ nguy cơ lật đổ nào.

Tuy nhiên, ông Reinfrank cũng lo ngại nguy cơ xảy ra vụ tấn công tương tự như sự kiện bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6.1.2021 ở Mỹ.

Reichsbürger tin vào điều gì?

Reichsbürger bác bỏ hệ thống pháp luật và cơ chế nghị viện ở Đức, và đa số thành viên vận động tuyên truyền nhằm khôi phục đế chế Đức sáng lập năm 1871. Họ cũng tin rằng Đồng minh Phương Tây sau khi đánh bại Đức Quốc xã hồi đệ nhị thế chiến vẫn đang âm thầm cai trị nước này.

Những năm gần đây, sự gia tăng số người gia nhập Reichsbürger đã đánh động giới chức an ninh trong nước. Trong báo cáo tháng 6.2022, cơ quan tình báo nội địa ước tính có khoảng 21.000 người tham gia phong trào, và số thành viên tiếp tục tăng.

Báo cáo nêu bật một yếu tố phản ánh nguy cơ xảy ra bạo lực đặc biệt cao của Reichsbürger: “Khoảng 500 người vẫn đang sở hữu ít nhất một giấy phép sử dụng súng”.

Năm 2018, Tổ chức Amadeu Antonio công bố kết quả khảo sát cho thấy Reichsbürger không phải là một nhóm đồng nhất. Thay vào đó, cụm từ này chỉ tất cả những người một mực cho rằng CHLB Đức hiện không phải là một quốc gia có chính phủ hợp pháp. Họ bác bỏ hiến pháp và mọi tổ chức nhà nước.

Tính đến năm 2021, giới chức Đức ghi nhận khoảng 1.150 thành viên Reichsbürger (hơn 5%) nằm trong nhóm cực đoan cánh hữu. Tuy nhiên, nhiều thành viên khác vẫn dựa vào ý thức hệ cực đoan cánh hữu hoặc tin vào những thuyết âm mưu bài Do Thái. Ý tưởng cho rằng Đức cần mở rộng biên giới bao trùm các lãnh thổ ở Đông Âu, khu vực Đức Quốc xã chiếm đóng trong thế chiến thứ hai, cũng được phong trào ủng hộ.

Reichsbürger nguy hiểm như thế nào?

Trong những năm gần đây, Reichsbürger dính líu không ít các trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Một số thành viên ra tòa vì tội giết người hoặc âm mưu ám sát. Cơ quan tình báo nội địa Đức ghi nhận số trường hợp liên quan Reichsbürger tăng mạnh từ năm 2020 đến 2021.

Ông Reinfrank cho hay tính hiếu chiến nằm sâu đến tận gốc rễ trong ý thức hệ Reichsbürger. “Do Reichsbürger không công nhận hiến pháp và sự hợp pháp của chính quyền hiện tại, ý thức hệ của phong trào này cho phép các thành viên sử dụng bạo lực”, theo ông.

“Đây không phải là những người ra tay tấn công ngẫu nhiên. Họ muốn thực hiện những đòn tấn công vào trật tự nền tảng của nhà nước, như những chính khách đắc cử các vị trí ở chính quyền địa phương”, Giám đốc Tổ chức Amadeu Antonio chỉ ra.

Cuộc biểu tình với băng rôn có nội dung gây quan ngại

Chụp từ Twitter

Những cuộc biểu tình diễn ra trong 3 năm qua nhằm phản đối các giới hạn nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan đã tạo điều kiện gia tăng tình trạng cực đoan hóa và kéo theo đó là số người gia nhập Reichsbürger gia tăng. Ví dụ, trong một cuộc biểu tình của nhóm tên “Freie Geister” (lược dịch: Những linh hồn tự do), những người tham gia mang theo băng rôn: “Chủ quyền. Vì tự do cho nước nhà”.

“Cảnh tượng trên đã bị cực đoan hóa. (Có vẻ như) con người ngày càng dễ tiếp thu hơn trước về ý tưởng cốt lõi của Reichsbürger, rằng nước Đức không tự do và chính quyền dân cử không phải chính phủ hợp pháp”, ông Reinfrank phân tích.

Cơ hội rà soát nội bộ

Những nghi phạm vừa bị bắt trong cuộc điều tra của Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Đức có lính đặc nhiệm thuộc lực lượng Kommando Spezialkräfte. Với quân số khoảng 1.400 người, đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, tham chiến tại nhiều nơi trên thế giới.

Một cựu nghị sĩ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng bị bắt trong đợt này, và một cảnh sát từng chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các cộng đồng Do Thái ở bang Lower Saxony trước khi bị ngưng chức ngay trước thời điểm đợt bố ráp được triển khai.

Địa điểm một vụ bố ráp ở Bad Lobenstein-Saaldorf hôm 7.12

Reuters

Trong những năm qua, giới quan sát cảnh báo xu hướng đáng báo động, mà theo họ là các mạng lưới cánh hữu đang hoạt động bên trong các cơ quan an ninh và Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức).

Ông Reinfrank cho rằng những vụ bắt giữ mới nhất cần phải được xem như là cơ hội để giới hữu trách một lần nữa thẩm định sát sao tình hình và hiểu rằng đây là vấn đề mà Bundeswehr không thể giải quyết nội bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.