Những nhà báo nói trên đến từ 35 cơ quan truyền thông của thế giới, hiện tham gia Nhóm phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) như The Washington Post (Mỹ), The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), Le Soir (Bỉ), Asahi Shimbun (Nhật)... Từ 15 tháng qua, ICIJ mở chiến dịch Offshore Leaks nhằm tìm hiểu các công ty offshore (công ty bình phong mở ở những nơi có thuế suất ưu đãi, còn gọi là “thiên đường thuế”, với mục đích trốn thuế hoặc rửa tiền). Các nhà báo đã tiếp nhận khoảng 2,5 triệu tài liệu, bao gồm hợp đồng, số hộ chiếu, thông tin sổ sách của 122.000 công ty, liên quan đến 130.000 cá nhân thuộc 140 quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ… Ước tính số tài liệu này gấp 162 lần lượng thông tin do WikiLeaks công bố vào năm 2010. Thông tin chủ yếu do ICIJ khai thác từ 2 hãng chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty offshore là Commonwealth Trust Limited (trụ sở ở quần đảo Virgin thuộc Anh) và Portcullis Trustnest (trụ sở ở Singapore).
|
Đến hôm qua, ICIJ bắt đầu công bố tên tuổi một số nhân vật bị cho là trốn thuế hoặc không minh bạch tài chính và danh sách này sẽ còn dài thêm trong mấy ngày tới. Chính quyền nhiều nước và những gương mặt bị điểm danh chưa có phản ứng về vụ việc. Riêng Philippines cho biết đang xem xét điều tra thông tin về tài khoản của Thống đốc tỉnh Ilocos Norte là Maria Imelda Marcos Manotoc, con gái cựu Tổng thống Ferdinand Marcos, tại quần đảo Virgin, theo AFP.
Lên tới 32.000 tỉ USD
Tờ Le Monde dẫn lời chuyên gia kinh tế James S.Henry, thành viên Tổ chức Tax Justice Network cho biết số tiền của giới nhà giàu và quan chức “gửi gắm” dưới nhiều hình thức ở những thiên đường thuế từ 21.000 tỉ - 32.000 tỉ USD, tức tương đương GDP của Mỹ và Nhật gộp lại. Trong bối cảnh nhiều nước phải đưa ra các chính sách thuế hà khắc để đối phó khủng hoảng kinh tế, hoạt động tài chính tại những nơi này lại càng nở rộ. Cho đến nay, các địa điểm được xem là thiên đường để mở công ty offshore là một số quần đảo thuộc Vương quốc Anh (Virgin, Cayman…). Đơn cử, đảo Cayman tuy chỉ 56.000 dân nhưng lại có đến 9.438 quỹ đầu tư (tính đến đầu năm 2013) và được xem là trung tâm tài chính lớn thứ 5 trên thế giới. Song song đó là những nước thường dùng nguyên tắc “bí mật ngân hàng” để bảo vệ thông tin về tài sản cho khách hàng như Luxembourg, CH Síp, Thụy Sĩ…
Theo ông Henry, các hoạt động offshore có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống pháp lý của các nước khi tiền từ các hoạt động phi pháp được cất giữ an toàn tại “thiên đường thuế”. Đáng nói hơn, phần lớn việc kinh doanh của các công ty offshore đều hợp pháp nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt. Những công ty này có thể tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc mạng lưới tài chính quy mô lớn và được phối hợp chặt chẽ giữa các nước cùng có thuế suất hấp dẫn với nhau. Trong đó gồm những công ty trung gian, công ty kiểm toán, văn phòng luật sư, ngân hàng… Chẳng hạn, tài liệu từ Offshore Leaks cho thấy 2 ngân hàng danh tiếng của Thụy Sĩ là UBS và Clariden từng hợp tác với Portcullis Trustnest để giúp khách hàng mở công ty offshore tại quần đảo Virgin cùng nhiều “thiên đường thuế” khác.
Những công ty này thông thường do các giám đốc hữu danh vô thực đứng tên nên khi các nước muốn điều tra việc trốn thuế hoặc rửa tiền sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà báo của ICIJ đã phát hiện một nhóm 28 giám đốc dỏm đứng tên cùng lúc 21.000 công ty. Kỷ lục, có người trong nhóm này “điều hành” đến 4.000 hãng ở các “thiên đường thuế”. Rất nhiều người cho thuê tên không hề liên quan đến ngành kinh tế, tài chính, thậm chí có trường hợp là người… vô gia cư. Khi sự việc bị phát hiện, nhờ biết tận dụng kẽ hở của luật pháp, các giám đốc dỏm sẽ không phải chịu trách nhiệm về hoạt động phi pháp của công ty do mình đứng tên. Trong những ngày tới, các thông tin được công bố từ Offshore Leaks sẽ là một cơn địa chấn thật sự đối với hệ thống “tài chính đen” toàn cầu.
Một số gương mặt nổi bật bị nêu tên trong đợt công bố đầu tiên của ICIJ: - Ông Bayartsogt Sangajav, giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mông Cổ từ năm 2008 - 2012. Ông này có một tài khoản tại Thụy Sĩ và có phần trong công ty offshore Legend Plus Capital Limited của Trung Quốc. Tổng cộng, cựu bộ trưởng này đã gửi khoảng 1 triệu USD mà không khai báo. - Bà Maria Imelda Marcos Manotoc, con gái cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Bà hiện là Thống đốc tỉnh Ilocos Norte. Từ năm 2005, bà vừa đầu tư vừa là cố vấn tài chính của Công ty Sintrat Trust, đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh. - Gia đình Tổng thống Azebaidjan Ilham Aliyev liên quan đến 4 công ty tại quần đảo Virgin. - Bà Olga Shuvalova, vợ của Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov đầu tư vào một công ty offshore ở Virgin từ năm 2007. - Bà Denise Rich, người từng tham gia gây quỹ cho đảng Dân chủ của Mỹ đã đầu tư 144 triệu USD vào một công ty tại quần đảo Cook. Bà đã chuyển sang quốc tịch Áo từ năm 2011 để hoạt động kinh doanh được dễ dàng hơn. Theo ICIJ, tổng cộng có khoảng 4.000 người Mỹ bị “điểm mặt” trong Offshore Leaks. - Ông Jean-Jaques Augier, Thủ quỹ chiến dịch tranh cử năm 2012 của Tổng thống Pháp François Hollande, đầu tư vào 2 công ty ở quần đảo Cayman. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Chấn động vụ rò rỉ thông tin về các đại gia trốn thuế toàn cầu
>> Tịch thu hàng trốn thuế tại cửa hàng Gucci và Milano
>> Thứ trưởng Pháp bị điều tra trốn thuế
>> Nokia bị nghi trốn thuế ở Ấn Độ
>> Bộ trưởng Ngân sách Pháp bị điều tra trốn thuế
>> Bắt ông Lê Quốc Quân để điều tra hành vi trốn thuế
>> Một cách trốn thuế
>> Hàng hiệu Ý gian lận xuất xứ để trốn thuế ?
>> 104 triệu USD cho người tố giác tội trốn thuế
>> Trốn thuế kiểu nhà giàu
>> Nhà đồng sáng lập Facebook bỏ quốc tịch Mỹ để trốn thuế
>> Giám đốc lãnh án vì trốn thuế
>> Nhiều đại lý quảng cáo trên Google, Facebook trốn thuế
>> Bắt tạm giam chủ nhiệm HTX trốn thuế
Bình luận (0)