Chặn dòng thủy điện ĐắkMi 4: 1,5 triệu dân có nguy cơ uống nước mặn

25/07/2009 23:37 GMT+7

Thiệt hại kinh tế sẽ vô cùng to lớn, đời sống của 1,5 triệu dân Đà Nẵng, Quảng Nam bị ảnh hưởng trực tiếp khi thủy điện ĐắkMi 4 chặn dòng. Nghe đọc bài

Báo động: thiếu nước ngọt

Theo UBND TP Đà Nẵng, thượng nguồn sông Vu Gia (3 nhánh chính là sông Boung, sông Côn và sông Cái) có 7 nhà máy thủy điện bậc thang gồm: sông Boung 2, sông Boung 4, sông Boung 5, A Vương, ĐắkMi 1, ĐắkMi 4 và sông Côn 2. Sông Cái hay còn gọi là ĐắkMi cung cấp 50% lượng nước về hạ lưu, là nhánh sông cực kỳ quan trọng, có yếu tố sống còn của cư dân hạ lưu dòng Vu Gia. Trong số 7 nhà máy thủy điện nói trên, có 6 nhà máy hoạt động theo nguyên tắc trả nước về sông cũ. Riêng thủy điện ĐắkMi 4 thì... chuyển nước từ lưu vực sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện. Và đây chính là nguyên nhân khiến người dân và chính quyền Đà Nẵng cũng như hai vựa lúa chính ở Quảng Nam là Điện Bàn, Đại Lộc âu lo, nóng ruột. Bởi, theo tính toán, nhu cầu nước ở hạ lưu sông Vu Gia trung bình là 84,19m3/giây được sử dụng cho các mục đích đẩy mặn, duy trì dòng chảy kiệt, cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ.

Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - cho biết UBND TP Đà Nẵng sẽ đề nghị Bộ Công thương tạm dừng việc thi công đập chính của thủy điện ĐắkMi 4 do IDICO làm chủ đầu tư cũng như vị trí xây dựng cống xả nước qua thân đập để trả nước cho dòng Vu Gia. Lý do, theo ông Thắng là chủ đầu tư và UBND TP Đà Nẵng chưa thống nhất về lưu lượng xả nước do IDICO đề xuất. Đặc biệt, tổ chuyên gia do Bộ Công thương lập ra đến nay cũng chưa hoạt động gì cụ thể, khiến tiến trình đàm phán trả nước cho Vu Gia bị bế tắc.

Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, trong 9 tháng (từ tháng 1- tháng 9 hằng năm) vùng hạ lưu sông Vu Gia sẽ bị khô cạn, tháng thấp nhất thiếu tới 48% và tháng nặng nhất lên đến 87% lưu lượng yêu cầu. Đơn cử, vào tháng 7.2008, khi thủy điện A Vương chặn dòng tích nước vào hồ chứa đã gây ra đợt thiếu nước ngọt ở hạ lưu sông Vu Gia. Hơn 10.000 ha đất nông nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam bị nhiễm mặn. Còn Nhà máy nước Đà Nẵng công suất 120.000 m3/ngày cũng chịu chung số phận khiến người dân Đà Nẵng uống nước mặn như pha muối. Cũng xin nhắc lại, sau nhiều trận lũ kinh hoàng, vào năm 2001, sông Vu Gia (đoạn chảy qua xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) bị cắt dòng, chuyển nước từ Vu Gia sang Thu Bồn đã làm cho đời sống của người dân vùng hạ lưu sông Vu Gia điêu đứng. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây đập Đại Cường, chống cắt dòng, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia.

Từ thực tế trên, UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Nếu thủy điện ĐắkMi 4 chặn dòng chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn sẽ xảy ra thảm họa về môi trường và bất ổn xã hội”.

Rắc rối chuyện trả lại nguồn nước

Đập thủy điện ĐắkMi 4 sắp sửa hoàn thành  -Ảnh: H.Trà

Từ năm 2008 đến 2009, UBND TP Đà Nẵng liên tục “kêu cứu” về tình trạng thiếu nước ngọt ở hạ lưu. Đến ngày 11.6, Bộ Công thương mới chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan. Tại cuộc họp này, chủ đầu tư là Tổng công ty ĐTPT đô thị và KCN Việt Nam (IDICO), vẫn giữ nguyên ý kiến chỉ trả lại 8m3/giây vào mùa kiệt cho dòng ĐắkMi. Trong khi đó, yêu cầu của TP Đà Nẵng và Quảng Nam, lượng nước phải trả là 87m3/giây từ tháng 1 - tháng 9 (mùa kiệt) hằng năm. Chủ trì cuộc họp quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cũng đặt vấn đề “phải duy trì nguyên tắc trả nước sông ĐắkMi về lại sông Vu Gia”. Ông Hào cũng yêu cầu thành lập gấp tổ chuyên gia nhằm giúp Vụ Năng lượng tính toán lượng nước phải trả, theo hình thức: Nhà máy thủy điện ĐắkMi 4 tiến hành xây dựng cống qua thân đập để chuyển trả nước cho dòng Vu Gia. Theo đó, tổ chuyên gia có nhiệm vụ tiến hành khảo sát, thẩm định cụ thể lưu lượng nước cần xả qua đập chính trình cấp thẩm quyền quyết định.

Thủy điện ĐắkMi 4 nằm trên địa phận huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) được khởi công vào năm 2007. Công suất thiết kế 220 MW, điện lượng trung bình hằng năm là 1 tỉ kWh. Tổng vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng. Dự kiến phát điện vào năm 2010. Thủy điện ĐắkMi 4 do Tổng công ty ĐTPT đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư.

Là người được UBND TP Đà Nẵng đề cử vào tổ chuyên gia, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - hết sức lo lắng: "Chúng tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm phải trả 87m3/giây nước về sông Vu Gia. Đây không chỉ là yêu cầu riêng lẻ của Đà Nẵng mà còn là nguyện vọng chính đáng của cả người dân Quảng Nam”. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho hạ du sông Vu Gia là do sai sót trong việc lập các dự án đầu tư xây dựng thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn, nhất là dự án thủy điện ĐắkMi 4. “UBND TP Đà Nẵng hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia đa mục tiêu, trong đó có thủy điện. Tuy nhiên, thủy điện ĐắkMi 4 đã không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt mà còn làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước sông Vu Gia” - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh khẳng định. 

Hữu Trà  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.