Sonthi Limthongkul
Người ta từng biết đến một nhân vật có tên là Sonthi Boonyaratglin, nguyên Tổng tư lệnh Lục quân Thái Lan, người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 19.9.2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Và có một nhân vật khác, cũng tên Sonthi (hoặc Sondhi tùy theo cách phiên âm) - lãnh đạo PAD, lực lượng đã biểu tình rầm rộ hồi năm 2006, tạo điều kiện cho cuộc đảo chính kể trên. Đó là Sonthi Limthongkul. Điều đáng nói là có thời gian ông Sonthi này từng ủng hộ nhiệt tình ông Thaksin.
Sinh năm 1947 trong một gia đình gốc Hoa tại Bangkok, ông Sonthi được coi là người khá trực tính. Tốt nghiệp ngành lịch sử tại Đại học California (Mỹ), ông về nước và bắt đầu sự nghiệp truyền thông của mình với vai trò phóng viên và thư ký tòa soạn cho tờ Prachatipatai (Dân chủ) từ năm 1973 đến 1974. Năm 1982, ông xuất bản tờ Phoojatkarn hay Manager (Người quản lý) chuyên về kinh doanh và phát hành hằng tháng. Sau 4 năm thành công, tờ Manager chuyển thành tuần báo và sau đó là nhật báo. Tờ báo này cũng được coi là nơi phát ngôn của ông Sonthi. Năm 1996, tạp chí Fortune công bố tài sản của ông là 600 triệu USD (hay 15 tỉ baht tính theo tỷ giá 25 baht/USD). Khi đó ông cũng nắm trong tay các công ty viễn thông. Thành công trong cả lĩnh vực truyền thông và viễn thông nhưng sau đó, do nợ nần và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Sonthi bị phá sản.
Vào năm 2001, khi ông Thaksin vừa đắc cử thủ tướng, tờ Manager Daily đã hết lời tán dương, gọi ông là vị thủ tướng tốt nhất của Thái Lan từ trước đến nay. Vươn lên từ phá sản, ông Sonthi bắt đầu mở chương trình truyền hình của riêng mình trên kênh MCOT. Tuy nhiên, đến năm 2004, do một số xung đột về quyền lợi, ông Sonthi quay sang chỉ trích Thủ tướng Thaksin. Năm 2005, mức độ chỉ trích ngày càng kịch liệt hơn khi ông Sonthi cáo buộc ông Thaksin lạm quyền và bóp nghẹt báo chí. Các cuộc biểu tình do PAD tổ chức mà ông Sonthi là một trong những lãnh đạo liên tục diễn ra. Thời gian sau đó, cái tên Sonthi Limthongkul luôn gắn liền với PAD và vụ lật đổ ông Thaksin. Sự "tái xuất" của PAD và ông Sonthi trong cuộc biểu tình hôm 25.5 và kéo dài đến tận bây giờ đang làm nóng tình hình chính trị Thái Lan.
Hiện ông Sonthi đang trong thời gian kháng cáo 2 bản án mà tòa dành cho ông hồi năm 2007 vì xúc phạm ông Thaksin và cố vấn của cựu thủ tướng bị lật đổ này là Phumtham Vejchayachai. Ông đã được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh với điều kiện không được tham gia các cuộc biểu tình cũng như xúc phạm người khác. Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Chalerm Yoobamrung, một thành viên đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP), đang dọa sẽ kiến nghị lên tòa án rút lại việc tại ngoại của ông Sonthi.
Chamlong Srimuang
PAD có tới 5 lãnh đạo. Ngoài nhân vật chủ chốt là Sonthi Limthongkul, Chamlong Srimuang cũng là một nhân vật có "máu mặt" trong biến động chính trị tại Thái Lan. Sinh năm 1935, ông Chamlong là một nhà hoạt động, một cựu chính trị gia và là cựu sĩ quan quân đội. Ông cũng từng thành lập và lãnh đạo đảng Phalang Dharma (PDP), làm thị trưởng Bangkok trong 6 năm, lãnh đạo cuộc biểu tình phản đối chính phủ quân sự năm 1992 - sự kiện đã dẫn đến đổ máu khi đó. Ông còn là một người sùng đạo Phật và ăn chay.
Hồi thập niên 70 thế kỷ trước, ông Chamlong cùng một số người khác thành lập nhóm Sĩ quan quân đội trẻ. Nhóm này đã ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Thủ tướng Seni Pramoj hồi năm 1976. Vai trò của nhóm cũng như của ông Chamlong trong cuộc thảm sát tại trường Đại học Thammasat cùng năm hiện vẫn gây tranh cãi, bởi ông Chamlong bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ này.
Đến năm 1991, Tư lệnh Lục quân, tướng Suchinda Kraprayoon, lật đổ chính phủ của Thủ tướng Chatichai Choonhavan. Tháng 4.1992, tướng Suchinda lên làm thủ tướng và kéo theo đó là các cuộc biểu tình. Ông Chamlong đóng vai trò lớn trong các cuộc biểu tình này. Vào tối 17.5 cùng năm, ông Chamlong lãnh đạo đoàn biểu tình gồm 200.000 người yêu cầu tướng Suchinda từ chức. Sau cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình dẫn đến đổ máu, ông Chamlong bị bắt nhưng cũng được thả sau đó. Cuộc biểu tình kết thúc vào ngày 20.5.1992. Ngày 24.5.1992, tướng Suchinda từ chức thủ tướng. Năm 1994, chính ông Chamlong là người đã chọn ông Thaksin làm Chủ tịch PDP và rời cương vị này vào năm 1996. Năm 2005, ông tham gia PAD, trở thành lãnh đạo lực lượng này và đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của chính phủ Thaksin. Hôm 25.5 vừa rồi, người ta lại thấy ông xuất hiện trong vai trò lãnh đạo của PAD khi lực lượng này biểu tình phản đối việc sửa đổi Hiến pháp và yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Samak Sundaravej từ chức.
Hiện, cuộc biểu tình của PAD tại khu vực đường Ratchadamoen Nok đang làm giao thông bị đình trệ suốt 5 ngày qua và tiếng loa ầm ĩ phát ra từ đây đã ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh tại các trường học xung quanh.
Việt Phương
(VP Bangkok)
Bình luận (0)