Chặn đứng nạn 'chạy chọt'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
24/05/2021 05:00 GMT+7

Cách làm minh bạch như ở Quảng Nam giúp hạn chế nạn tiêu cực, chặn đứng việc 'chạy chọt' xin chỗ làm trong ngành giáo dục …

Mới đây, 148 thầy cô giáo trẻ vừa chính thức trở thành viên chức ngành giáo dục THPT của tỉnh Quảng Nam đã hội tụ về hội trường Sở GD-ĐT để dự một nghi thức đặc biệt, đó là tự chọn trường, chọn nơi làm việc cho chính mình dựa trên điểm trúng tuyển.
Bảng điểm, thành tích học tập, kỹ năng mềm của các thí sinh (TS) được niêm yết công khai tại khán phòng. Sau đó, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đưa ra danh sách các trường THPT trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu nhân sự, rồi mời những TS có điểm cao nhất đăng ký trước, chọn những trường mà mình mong muốn làm việc. TS có điểm thấp hơn chọn sau, cho đến khi hết chỉ tiêu tuyển dụng. Trên cơ sở này, hội đồng xét duyệt của sở làm việc ngay tại chỗ, cho công khai hồ sơ đăng ký ở từng vị trí.
Muốn chọn được người tài thì phải tuyển dụng công bằng, khách quan. Cách làm trên của Sở GD-ĐT Quảng Nam nhận được sự đồng tình cao của người dự tuyển lẫn người trúng tuyển. Bởi qua đó đánh giá đúng và tôn trọng các TS trong quá trình học tập cũng như khuyến khích, tạo niềm tin cho họ; đồng thời mở ra cơ hội lớn cho những sinh viên theo học ngành sư phạm có hoàn cảnh khó khăn thêm cơ hội chọn được vị trí việc làm như mình mong muốn một cách công khai, công bằng, khách quan.
Làm việc với Bộ GD-ĐT mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu học thật, thi thật, nhân tài thật đối với ngành. Nhìn từ khía cạnh này, cách làm minh bạch như ở Quảng Nam để hạn chế nạn tiêu cực, chặn đứng việc chạy chọt xin chỗ làm trong ngành giáo dục…, qua đó nhân tài thật có “đất dụng võ”, cần được nhân rộng, thậm chí không chỉ trong ngành giáo dục mà trên mọi ngành, lĩnh vực khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.