Theo bản thông báo mới nhất của tạp chí Forbes, danh hiệu người giàu nhất thế giới đã thay đổi, đó không phải là cái tên được nhiều người biết đến trong nhiều năm qua, cụ thể là Bill Gates hay tỷ phú người Mỹ Warren Buffett (người giàu nhất thế giới năm 2008) mà là Carlos Slim, một tỷ phú đến từ Mexico.
Tài sản của Slim đạt 53,5 tỷ USD, cao hơn 0,5 tỷ USD so với Bill Gates còn tài sản của Buffett chỉ đạt 47 tỷ USD. Đó là điều mà nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì Mexico không phải là quốc gia giàu có như Mỹ hay Nhật.
Con trai của “cửu vạn”
Tại sao Mexico lại sản sinh ra một tỷ phú giàu nhất thế giới? Để trả lời câu hỏi này cần lần ngược lại lịch sử hơn 100 năm trước. Năm 1902, có một chú bé người Libăng là Julián Slim Haddad đặt chân xuống Mexico trong cuộc chạy trốn quân Ottoman ở vùng Trung Đông. Mọi thứ khó khăn với cậu bé Julian 14 tuổi nơi đất khách quê người và Julian không biết tiếng địa phương (Mexico sử dụng tiếng Tây Ban Nha). Để tồn tại, anh em nhà Julian phải kiếm sống bằng việc làm “cửu vạn” bốc dỡ hàng hóa.
Sau 9 năm dành dụm, Julian và một người anh đã quyết định mở công ty kinh doanh đồ khô lấy tên “Ngôi sao phương Đông”, với số vốn ban đầu 28.500 pesos. Và sau đó 3 năm, Julian mua hết cổ phần của người anh với giá 30.000 pesos. Nhờ sự khôn ngoan của Julian, công việc kinh doanh rất phát đạt khi đến năm 1921, Julian có trong tay tài sản 100.000 USD và nếu tính ra thời giá hiện giờ thì nó là hàng triệu USD. Năm 1926, Julian với sự giàu có đã kết hôn với Linda Helu, con gái một gia đình nắm trong tay công nghiệp in ấn.
Julian và Linda chính là cha và mẹ của tỷ phú Carlos Slim, người sinh năm 1940. Người cha Julian có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành đạt của Carlos Slim sau này. Julian vốn tay trắng làm nên sự nghiệp và ông không muốn các con trở thành những kẻ phá gia chi tử. Ngay từ khi còn nhỏ, các con nhà Slim đã được giáo dục về cách sử dụng đồng tiền. Julian có 6 đứa con và Carlos là con áp út, ông phát cho các con một cuốn sổ ghi lại các khoản thu và chi mà chúng sử dụng trong tuần. Sau mỗi tuần, dù bận nhiều công việc lớn lao nhưng Julian vẫn ngồi lại với các con tính toán và chỉ dạy chúng cách sử dụng tiền như thế nào là hiệu quả.
|
Mỗi giờ kiếm hơn 1 triệu USD
Sau khi cha qua đời, Carlos vẫn sống trong sự dạy dỗ của mẹ Helu. Không phải vì nhà giàu mà Carlos bỏ bê học hành, ông vẫn miệt mài nghiệp đèn sách tại trường luật và lấy bằng xuất sắc. Năm 25 tuổi, Carlos thành lập tập đoàn Carso, đó là một cái tên lãng mạn khi ghép tên đầu của Carlos với người yêu ông là Soumaya. Công việc kinh doanh đồ uống nhẹ và in ấn rất thành công. Khi 26 tuổi, Carlos có trong tay khối tài sản 26 triệu USD.
Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, nền kinh tế Mexico rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Carlos bỏ tiền ra mua những công ty gặp khó khăn nghiêm trọng với giá rẻ mạt rồi sau đó đầu tư vực dậy bằng sự khôn ngoan. Chẳng hạn, năm 1981, Carlos vớ được món hời khi mua một lượng lớn cổ phiếu từ công ty sản xuất thuốc lá Cigatam. 10 năm sau hãng thuốc lá này bán chạy nhất Mexico. Năm 1982, Carlos mua công ty bảo hiểm lớn nhất Mexico là “Seguros de México” thời khủng hoảng với giá 44 triệu USD, đến giờ giá trị của công ty này là 2,5 tỷ USD.
Đầu thập niên 1990, Carlos đá sang lĩnh vực truyền thông, một thị trường còn rất mới mẻ. Giờ Carlos là chủ của Telmex, công ty chiếm 90 thị phần điện thoại cố định tại Mexico và cũng là chủ của America Movil SA, chiếm 70% thị phần điện thoại di động Mexico. Như thế thì có thể thấy hầu hết người Mexico hằng tháng đều đóng tiền điện thoại cho Carlos, dù là người giàu hay nghèo.
Bản thân nhà Carlos cũng trả mỗi tháng khoảng 470 USD tiền điện thoại vì theo như ông phàn nàn: “Các cháu tôi và người giúp việc đông quá lại luôn dùng điện thoại”. Với thị trường hơn 100 triệu dân thì số tiền Carlos thu được đâu ít và ông không bao giờ để tiền...nghỉ ngơi. Carlos mua tất cả những gì mà ông thấy nó có thể sinh ra tiền. Hiện giờ ông đang nắm trong tay 200 công ty đủ các loại từ thuốc lá đến xe đạp, từ truyền thông đến xây dựng, rồi cả hàng không, đường sắt, khách sạn, du lịch, ngân hàng, in ấn...
Trong 2 năm qua, thế giới chao đảo vì khủng hoảng nhưng đó lại là 2 năm mà Carlos đại phát tài khi kiếm lợi gần 20 tỷ USD (theo The Wall Street Journal). Tính trong 2 năm qua, mỗi ngày có hàng nghìn, hàng vạn công ty phá sản thì trung bình mỗi ngày, Carlos kiếm 27 triệu USD, mỗi giờ kiếm hơn 1 triệu USD, mỗi phút hơn 18.000 USD và mỗi giây là hơn 300 USD. Carlos Slim khẳng định: “Tôi chỉ làm việc của mình chứ không màng việc chạy đua với Bill Gates”.
Anh Tú
Bình luận (0)