Chân giả sinh học

30/10/2011 19:26 GMT+7

Ngày 27.6.2005, Craig Hutto (16 tuổi), một mình lội ra vùng biển hoang vắng cách Panama City 50 dặm. Ở đây, cậu bị cá mập tấn công cắn đứt chân phải, phần từ trên đầu gối trở xuống.

Đến nay Craig Hutto đã cao khoảng 1,63m và vẫn đang điều trị tại bệnh viện. May mắn cho anh là Trung tâm cơ điện tử thông minh thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã và đang nghiên cứu suốt 7 năm qua về chi giả thông minh, và cần người khuyết tật để thử nghiệm.

Giáo sư Michael Goldfarb và các cộng sự đã thử nghiệm đến phiên bản thứ bảy của loại chi giả với trọng lượng nhẹ nhưng linh hoạt. Đối với trường hợp của Craig Hutto, chân giả cùng đầu gối, mắt cá chân có trọng lượng chỉ chừng 4 kg với chất liệu chủ yếu là nhôm. Bên trong là bộ vi xử lý cùng pin sạc giúp người dùng có thể sử dụng liên tục 3 ngày hoặc đi xa 14 km mới cần tái nạp năng lượng.

Một loạt các cảm biến được gắn trên chân giả để dự đoán nhu cầu đi đứng của người dùng, qua đó bo mạch chủ với phần mềm cài đặt bên trong sẽ xử lý để tránh trường hợp gặp vật cản và có thể vấp ngã. Dự đoán này giúp nó hoạt động như một chi thật sự từ cách đi đến cách bước lên cầu thang và qua những địa hình không đồng đều. Hutto cho biết thông thường việc đi lên và xuống dốc đã khó đối với đôi chân người thường, thế nhưng với chiếc chân giả này anh có thể thực hiện không thua đôi chân thật qua sự hỗ trợ kỹ thuật tối đa của phần mềm cũng như phần cứng.

Vì là người tham gia trong quá trình thử nghiệm chi giả thông minh nên Craig Hutto không phải trả chi phí vì chính anh ta cũng giúp các nhà khoa học tiếp tục điều chỉnh để có các bộ chân tay giả thông minh ngày càng hoàn thiện hơn. Theo tạp chí Gizmag thì Trung tâm cơ điện tử thông minh thuộc Đại học Vanderbilt cũng đang phát triển một dự án về cánh tay giả và bộ xương gắn ngoài thông minh để hỗ trợ cho Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.