Đó là tổng kết từ một chuyên gia nghiên cứu về phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, khi lý giải vì sao thiên tai cấp tập xảy ra ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội...
Lạ lùng là những năm trước đây, thiên tai xảy ra khi các địa phương chịu ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới, bão, liên tiếp hứng chịu nhiều đợt mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… Còn năm nay, đang ở chính vụ mùa mưa bão nhưng chưa có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp nước ta và không có những đợt mưa dài ngày, lượng mưa không lớn nhưng thiên tai vẫn dồn dập ập đến.
Có một điểm chung của những vụ thiên tai vừa qua là xảy ra ở khu vực có sự tác động, can thiệp của con người. Lũ ống xói lở đất ở H.Sóc Sơn (Hà Nội) xuất hiện ngay điểm nóng vi phạm xây dựng trái phép trên đất rừng. Sạt lở đường giao thông, công trình thủy lợi ở Đắk Nông cũng có nguyên nhân tác động từ hoạt động đào bới, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình làm thay đổi dòng chảy, biến dạng cấu trúc địa hình…
Các nghị quyết, lý thuyết quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn đều lồng ghép công tác phòng chống thiên tai. Nhưng như Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh trong chuyến kiểm tra các điểm sạt lở đất tại tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng rằng các địa phương có làm, có thực hiện nhưng không nghiêm, thậm chí một số nơi, một số thời điểm làm không đúng.
Biến đổi khí hậu ở VN được nhận định diễn ra nghiêm trọng hơn so với kịch bản dự báo, điều này đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ, thận trọng hơn trong quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng để ngăn chặn thiên tai từ các tác động nhân tai. Nếu tiếp tục để các địa phương "nhắm mắt" bỏ qua các quy định về phòng chống thiên tai, hủy hoại môi trường tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội thì tương lai sẽ còn gánh chịu tổn thất khôn lường…
Bình luận (0)