Những nguyên nhân
Theo bác sĩ Phạm Nam Việt (đơn vị Nam học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM): Nguyên nhân gây chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất là do đả thương và chấn thương trong thể thao; còn nguyên nhân do tai nạn giao thông chiếm 10%; ít gặp hơn là những trường hợp tự bóp tinh hoàn ở người chuyển đổi giới tính, hoặc người bệnh tâm thần. Ở người chuyển đổi giới tính, hay bệnh nhân tâm thần thường họ tự cắt cơ quan sinh dục mà 50% liên quan đến cắt tinh hoàn. Ngoài ra chấn thương tinh hoàn có thể còn do bị súc vật cắn; hay trẻ mắc phải trong lúc sinh…
Nguy cơ vỡ tinh hoàn sau chấn thương mạnh ở bìu là 50%. Đa số chấn thương ở một tinh hoàn, cũng có trường hợp bị ở cả hai bên. Người bị chấn thương có thể thấy đau hoặc sốc do đau tinh hoàn, hay bầm máu bìu; kèm theo vỡ mào tinh - có thể xảy ra nhưng rất hiếm; đứt ống dẫn tinh chiếm 10%. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có những tổn thương khác đi kèm như tổn thương ở dương vật, niệu đạo, tầng sinh môn, mạch máu đùi. Cũng có trường hợp tinh hoàn bị chuyển vô ống bẹn hay vào ổ bụng, xoắn tinh hoàn sau chấn thương…
Những bệnh nhân được bảo tồn tinh hoàn không có sự thay đổi về sinh tinh và về nội tiết. Ngược lại, nhóm bệnh nhân bị cắt một tinh hoàn có sự giảm sút đáng kể về số lượng tinh trùng… |
Cần chữa sớm
Một số trường hợp bị chấn thương vỡ tinh hoàn, nhưng siêu âm không phát hiện ra. Lý do là hình ảnh xuất huyết trong trường hợp này có thể giống hình ảnh u tinh hoàn, và bệnh nhân có u tinh hoàn thường đến khám sau một chấn thương nhẹ ở bìu. Một số trường hợp tinh hoàn bị chuyển vị trí sau chấn thương nên siêu âm cũng không phát hiện được. Khi đó, bác sĩ phải xác định vị trí bằng chụp CT scan, hoặc mổ thăm dò. Nếu tinh hoàn bị chuyển vị, bác sĩ phải nhanh chóng cố định về vị trí bình thường ở bìu để tránh nguy cơ tổn thương chủ mô tinh hoàn (do nhiệt độ ở nơi tinh hoàn bị chuyển vị trí đến không thích hợp).
Theo bác sĩ Phạm Nam Việt, khi xử trí các trường hợp chấn thương này, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn chủ mô tinh hoàn. Chỉ trong trường hợp tinh hoàn bị dập nát hoàn toàn thì mới phải cắt bỏ. Trong thực tế, có nhiều trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn khi nó bị chấn thương, bị vỡ nát hoàn toàn không thể khâu lại được. Chỉ điều trị nội khoa khi chắc chắn tinh hoàn bị thương tổn nhẹ, tụ máu chỉ khu trú nông và không tiến triển lan rộng, đau giảm dần. Điều trị nội là cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường, băng cố định bìu lên cao, cho thuốc giảm đau chống phù nề và chườm đá lạnh lên bìu. Điều trị chấn thương tinh hoàn thường diễn tiến tốt nếu được xử trí đúng. Một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nhiễm trùng vết thương.
Những bệnh nhân có tụ máu trong tinh hoàn mà không được phẫu thuật thì khoảng 40% sẽ bị nhiễm trùng, hoặc hoại tử tinh hoàn và thường sau đó cần phải cắt bỏ. Tỷ lệ phải cắt bỏ tăng từ 7,4% lên đến 55,5% nếu việc điều trị tiến hành chậm trễ quá 72 giờ sau chấn thương.
Tưởng Dung
Bình luận (0)