Nhiều tập đoàn Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư
Sáng 1.7, Thủ tướng và các bộ trưởng đã có cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp (DN) lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Jung In-sub, CEO Hanwha Aerospace, tập đoàn này đã đầu tư nhà máy sản xuất động cơ máy bay và linh kiện cung cấp cho các khách hàng toàn cầu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với tổng vốn hơn 200 triệu USD. DN này mong muốn mở rộng quy mô hoạt động và tham gia chuỗi sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. "Việt Nam hiện có nhu cầu lớn nhưng các hãng phải ra nước ngoài như Mỹ hay Singapore để bảo dưỡng", ông Jung In-sub nói.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng tham gia quá trình bảo dưỡng máy bay của Hanwha Aerospace và cho biết tập đoàn này có thể hợp tác với các hãng hàng không lớn của Việt Nam như Vietnam Airlines và Vietjet Air. "Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không, đội máy bay ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng các sân bay mới như Long Thành, Chu Lai, mở rộng Nội Bài, nhu cầu bảo dưỡng rất lớn", Thủ tướng thông tin.
Tại cuộc tọa đàm, ông Huh Yong-soo, Chủ tịch Công ty GS Energy, cho biết đã đầu tư nhà máy phát điện Long An quy mô 3 tỉ USD. Năm 2021, công ty được cấp chứng nhận đầu tư và đến tháng 9.2023 đã lập báo cáo tiền khả thi. Bày tỏ hy vọng trong thời gian sớm nhất, dự án này sẽ được khởi động và cung cấp điện năng cho Việt Nam, ông Yong-soo mong phía Việt Nam hỗ trợ về mặt pháp lý.
Đề xuất của các DN Hàn Quốc nhận được chia sẻ trả lời cụ thể từ phía lãnh đạo các bộ Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt nhấn mạnh với các DN Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi thông điệp kêu gọi cùng nhau thúc đẩy "chân trời hợp tác mới" trên cơ sở hợp tác toàn diện hai nước trong tương lai, phấn đấu kim ngạch thương mại hai nước đạt 100 tỉ USD vào năm 2025.
Thông điệp "chân trời hợp tác mới" tiếp tục được Thủ tướng nhắc lại tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc sáng cùng ngày, với sự tham dự của gần 350 DN Hàn Quốc và 180 đại diện DN, lãnh đạo bộ ngành của VN.
Tại diễn đàn, ông Cho Hyun-sang, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam, chia sẻ hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác kinh tế không thể tách rời, nhất là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trao đổi giao lưu giữa hai nước ngày càng tăng cả về chiều rộng và chiều sâu. Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, là nhà đầu tư FDI lớn nhất. Cứ 4 người nước ngoài đến Việt Nam thì có 1 người Hàn Quốc.
"Khách Hàn Quốc đặt biệt danh riêng cho Đà Nẵng, thể hiện mức độ yêu thích với du lịch Việt Nam", ông Cho Hyun-sang chia sẻ và cho rằng như cách đã xây dựng quan hệ song phương trong 30 năm qua, hai nước cần định hướng quan hệ cho 30 năm tới.
"Cùng làm, cùng thắng và cùng hưởng"
Ông Ahn Duk-geun, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thương mại tài nguyên Hàn Quốc, cho rằng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao so với tuổi con người là lứa tuổi 30, dám thách thức đương đầu với những điều mới. Đây là thời điểm chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo để mở rộng thương mại đầu tư để nâng kim ngạch lên 100 tỉ USD vào 2025. Ông cho biết, các DN Hàn Quốc mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng.
Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, nhất là đất hiếm, trong khi đó Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ, tiềm năng hỗ trợ lẫn nhau rất lớn. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh khi Việt Nam là nước đầu tiên Hàn Quốc ký kết biên bản ghi nhớ về năng lượng. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Việt Nam.
"Tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân câu nói mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nhắc là cùng làm, cùng thắng và cùng hưởng", Bộ trưởng Ahn nhấn mạnh.
Về phía DN Việt Nam, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, cũng cho biết DN hai bên cần làm thế nào để triển khai nhanh hợp tác, dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất là tin tưởng, hợp tác như người Hàn Quốc có câu "trước khi làm ăn, phải làm bạn". Thứ hai là làm thế nào để phát triển chuỗi kinh doanh giá trị, khi xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và chỉ ra các đối tác đảm bảo khả năng từ phía Việt Nam", ông Thái nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với trọng tâm mở rộng đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, hợp tác để mở ra chân trời phát triển mới, Việt Nam và Hàn Quốc cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị thông minh. Thủ tướng cũng khuyến khích DN Hàn Quốc đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi, quan trọng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, vì dư địa hợp tác trong những lĩnh vực này rất lớn, đặc biệt với các ngành như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa, giải trí…
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc là hình mẫu cho Việt Nam
Tại Diễn đàn Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Thứ trưởng thứ hai Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc Jang Mi-ran cho biết giao lưu hợp tác của hai nước trong lĩnh vực du lịch đã đạt đến mức đáng kinh ngạc. Chỉ riêng năm ngoái đã có khoảng 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Khách Việt Nam đến Hàn Quốc cũng nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á với 420.000 người.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là lần đầu tiên một diễn đàn hợp tác văn hóa và xúc tiến du lịch song phương được tổ chức với quy mô, nội dung trao đổi thực chất và hiệu quả. Trong hơn 30 năm qua, quan hệ hai nước có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, hợp tác về du lịch và văn hóa là một điểm sáng. Với các chính sách mở như kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch Hàn Quốc từ 15 ngày lên 45 ngày, Thủ tướng đặt mục tiêu hai bên sẽ đưa du lịch Việt Nam và Hàn Quốc lên một tầm cao mới, phấn đấu sớm đạt tổng 5,5 triệu lượt khách.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khoảng 30 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến xa trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa với "làn sóng Hàn Quốc". Thủ tướng chia sẻ gần như ngày nào cũng có phim Hàn Quốc phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam. Nhiều ban nhạc Hàn Quốc được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích.
"Kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc sẽ là những bài học quý báu với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mới bước đầu phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần đẩy mạnh quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động hôm qua (1.7), Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hợp tác về lao động giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã được 32 năm, trở thành một trong những trọng tâm hợp tác hai nước. Số lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay khoảng 120.000, trong đó khoảng 50% đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS). Đặc biệt, hàng trăm lượt lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về, trong đó nhiều người đã trở thành những ông chủ.
"Phần lớn lao động Việt Nam sau 4 năm làm việc ở Hàn Quốc đều trưởng thành, trở thành những nhân lực quan trọng trong các tập đoàn lớn của Hàn Quốc", Bộ trưởng Dung cho hay.
Bình luận (0)