Đó là Hoàng Văn Bình (21 tuổi, Huế), đang là sinh viên năm 3, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM.
Sinh ra và lớn lên tại làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Huế), miền đất cát hẹp, khắc nghiệt bởi thiên tai, chàng sinh viên này sớm ý thức được chuyện cơm áo gạo tiền ngay từ khi còn đi học.
Thế nên cứ ở đâu có đăng tuyển thông tin việc làm thêm là Bình lại tích cực ứng tuyển tham gia để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Thấy người ta bày bán đồ thủ công, anh chàng này lại cặm cụi tìm kiếm cách làm trên mạng. Cứ thế, Bình tự mày mò học theo, và đến giờ "cũng thành nghề", như lời Bình tâm sự.
Làm thêm đủ thứ nghề
Là con trai duy nhất trong gia đình có 6 người con. Bố trồng rau bỏ mối, mẹ bán chuối ngoài chợ, từ nhỏ Bình đã quen với việc bán buôn. 12 năm cắp sách đến trường, chàng trai sẽ là cảnh sát trong tương lai này chưa từng biết học hè hay học thêm là gì, bởi suốt ngày chỉ quanh quẩn với việc nhà và phụ mẹ bán buôn.
Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ, anh chàng này chẳng chút ngại ngần hay dè dặt, cứ cuối tuần là lại tranh thủ chạy ngược chạy xuôi để mưu sinh kiếm tiền.
"Mình khởi đầu bằng công việc mascot (nghề đội lốt thú bông) tại các cửa hàng bán đồ trẻ em với thu nhập mỗi giờ khoảng 50.000 đồng. Có hôm kiệt sức vì nóng và ngạt nhưng mình cũng vui vì công sức bỏ ra và đổi được đồng tiền xứng đáng. Tích góp một thời gian, với mong muốn chủ động trong công việc, nên mình sắm hẳn cho mình một bộ mascot để bán kẹo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ kiếm đồng ra đồng vào", Bình kể.
"Không chỉ diễn trò, mình còn chơi đùa với trẻ em và cho khách chụp hình miễn phí để bán được những que kẹo với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng", Bình cho biết.
Thời gian rảnh sau giờ học, trong lúc bạn bè giải lao, Bình lại tranh thủ đan móc giày dép theo yêu cầu của khách. Bằng lòng đam mê và ham học hỏi, Bình sáng chế ra nhiều loại giày dép với đa dạng mẫu mã. Các móc khóa len với các hình thù bắt mắt cũng được Bình trau chuốt khéo léo. "Nhiều người ban đầu nhìn vô họ kêu cái giới tính của mình có vấn đề hay sao mà tối ngày đan móc, nhưng mình nghĩ đâu phải con gái mới làm được những việc này. Con trai cũng có thể làm, quan trọng là mình có muốn hay không", Bình chia sẻ.
Bình nhớ lại: "Lúc tự mày mò thông tin trên mạng để học theo, rồi sau một vài ngày cũng làm được. Tác phẩm đan tay đầu tiên mà mình làm được đó chính là đôi giày. Lúc làm xong, mình đã tỉ mỉ gói gửi tặng mẹ. Mình muốn tặng mẹ đôi giày để mang cho ấm và để mỗi khi nhìn tới nó mẹ sẽ nhớ tới thằng con trai đang học xa nhà này".
Ngoài việc bán kẹo, đan móc len bán cho khách, chàng sinh viên người Huế này còn là cây kéo tài năng trong đội cắt tóc ở trường. Ít ai biết rằng, trước khi thành cây kéo tài năng như vậy, anh chàng này chẳng phải học ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, mà chỉ tập cắt tóc... bạn cùng phòng.
"Những ngày đầu vì muốn kiếm thêm thu nhập, mình phải nhờ đỡ các bạn trong phòng để xin tập cắt tóc chứ ra ngoài học nghề mắc lắm mà mua tóc giả về cắt cũng tốn tiền. Do tay ngang nên nhiều lúc cắt lỏm chỗ này, hụt chỗ kia phải xin lỗi hết người này người nọ rồi mời họ uống nước, ăn chè chuộc lỗi làm huề", Bình cười và kể.
Bình còn có khả năng khắc bút chì và viết tên lên móc khóa hạt gạo. Những sản phẩm thủ công Bình chia sẻ trên trang cá nhân nhận được sự quan tâm, đón nhận của nhiều người. Không ít người quen và cả những khách hàng mới đều hết lời khen ngợi trước tài hoa của Bình.
tin liên quan
Công việc đầu tiên bạn kiếm ra tiền là gì?
Ước mơ bình dị
Sau cả năm làm thêm và tích góp, với số tiền dành dụm, Bình cho biết sẽ dành để trang trải cho việc học thêm tiếng Anh, tin học và một số chứng chỉ nghề liên quan nhằm nâng cao kiến thức cho bản thân, không cần phải xin tiền bố mẹ.
Dù có lăn lội với nhiều nghề nhưng Bình luôn sắp xếp thời gian và ưu tiên việc học làm đầu. Chàng cảnh sát tương lai này luôn là sinh viên khá trong nhiều năm liền. Ngay cả việc đi bán móc khóa móc len hay khắc tên trên hạt gao tại công viên 23.9 (TP.HCM), Bình cũng cho biết luôn tận dụng vừa bán vừa luyện kỹ năng giao tiếng tiếng Anh. Bình cho hay: "Mỗi lần gặp người nước ngoài, mình luôn chủ động giao tiếp, để học mót được chữ nào thì học, bổ sung thêm từ vựng, rèn luyện cách nói cho mình".
Không muốn bố mẹ lo lắng và phiền lòng khi biết mình ngược xuôi đủ nghề. Bình chia sẻ: “Mình chẳng dám gửi tiền về cho bố mẹ. Sợ bố mẹ ở quê buồn rồi lại nghĩ con mình ở trong đó vất vả ngược xuôi. Mỗi lần về quê mình chỉ dám dúi cho mấy đứa em ít tiền, để nó sắm ít đồ, bố mẹ có hỏi thì mình bảo là tiền phụ cấp".
Nói về ước mơ, Bình cho biết bản thân luôn lạc quan và không có mơ ước gì cao xa. Bằng chất giọng đặc trưng của người Mỹ Lợi, một chút giọng Huế pha chút giọng Quảng, vừa chân chất, vừa mộc mạc, ước mơ của Bình cũng bình dị như chính cái tên và con người chàng sinh viên này, đó là: "Mình chỉ ước mơ sau khi ra trường được về quê làm. Với em hạnh phúc chỉ đơn giản như vậy thôi".
Bình luận (0)