Hãng tin DPA dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Ủy ban bầu cử Đức công bố đêm 27.9 cho thấy Liên minh Dân chủ - Xã hội Thiên Chúa giáo (CDU/CSU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel đã giành 33,8% số phiếu ủng hộ, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) 23%, đảng Dân chủ Tự do (FDP) 14,6%, đảng Cánh tả 11,9% và đảng Xanh là 10,7%. Kết quả này tương đương với việc CDU/CSU và FDP, vốn đã cam kết liên minh, sẽ giành được 334 ghế, qua đó chiếm được thế đa số an toàn trong Quốc hội. Kết quả kể trên cũng đã mở đường cho đương kim Thủ tướng Angela Merkel tái cử nhiệm kỳ hai, đồng thời thực hiện được giấc mơ thành lập chính phủ mới với FDP như kế hoạch đã đề ra trước đó.
Như vậy, sau cuộc tổng tuyển cử vào hôm 27.9, người dân Đức đã chính thức chứng kiến một cuộc “ly hôn” giữa CDU/CSU và SPD sau 4 năm chung sống. Về phía SPD, đảng này đã thất bại bi thảm nhất trong lịch sử kể từ năm 1949, mất hơn 10% phiếu so với kỳ bầu cử 4 năm về trước.
Với kết quả bầu cử “thành công ngoài mong đợi” của FDP, thủ lĩnh đảng này là Guido Westerwelle được mong chờ sẽ trở thành phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng mới của Đức. Trước cuộc tổng tuyển cử, sở dĩ FDP đã được bà Merkel “chọn mặt gửi vàng” do đảng này có quan điểm thống nhất với CDU/CSU về nhiều vấn đề và là đảng có thiên hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - một điều cực kỳ quan trọng trong việc đưa nước Đức vượt qua được tình trạng khó khăn hiện nay cũng như tiếp tục duy trì vị thế là nền kinh tế đầu tàu của EU.
Tuy đã đạt được mục tiêu “đổi màu” liên minh cầm quyền từ Đen-Đỏ hiện nay (CDU/CSU và SPD) sang Đen-Vàng (CDU/CSU và FDP) song bà Merkel sẽ còn gặp nhiều khó khăn phía trước. Sắp tới, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này phải đề ra những biện pháp mạnh để chèo chống nền kinh tế trong thời hậu khủng hoảng. Tuy Đức đã vượt qua suy thoái kinh tế trong quý 2/2009 song GDP của nước này được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng âm 5% hoặc nhiều hơn trong năm nay, theo hãng tin AP. Ngoài ra, do thâm hụt ngân sách tăng cao vì các chính sách kích thích kinh tế trong thời khủng hoảng, liên minh cầm quyền trung hữu của bà Merkel có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm thuế như từng cam kết. Giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao sẽ vẫn là vấn đề nan giải đối với chính phủ mới của bà Merkel.
Về đối ngoại, việc quân Đức đang có mặt tại Afghanistan cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề không dễ gì giải quyết. Đức sẽ vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ và các đồng minh khác vì Berlin không thể quên mình là thành viên chủ chốt của NATO. Về quan hệ với Nga, đây sẽ vẫn là một đối tác mơ hồ. Cuộc chiến Nga-Georgia hồi năm ngoái đã làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Khi Moscow công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia (hai vùng đã tuyên bố độc lập khỏi Georgia), bà Merkel đã lên tiếng phản đối và cho rằng Nga đã vi phạm luật quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng khí đốt hồi đầu năm nay khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu u đã khiến mối quan hệ của cả hai thêm tồi tệ. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, cả hai chính phủ đã hợp tác một cách thân thiện và thực tế hơn, nhất là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế mà hai bên đều bị tác động mạnh. Do đó, đường lối ngoại giao mà bà Merkel sẽ chọn lấy sau cuộc tổng tuyển cử vẫn là cân bằng mối quan hệ giữa Đông và Tây.
Châu Yên
Bình luận (0)