Âm nhạc nữ tính
Là giọng nữ trầm với âm sắc đẹp hiếm có, một thập kỷ qua á quân Vietnam Idol 2012 đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng với 4 album chất lượng. Trong đó Cửa thơm mùi nắng (2014) và Về (2015) hợp tác cùng Lê Minh Sơn như bước chạm ngõ đưa tên tuổi Hoàng Quyên đến với khán giả. Ở đó không chỉ có một giọng ca “chuyên trị” dòng nhạc mang tính dân gian, mà việc làm mới những bài hát quen trong Về cũng được đánh giá tương đối tích cực.
Kế đến, cô đã hợp tác cùng hai nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc vô cùng nổi bật nhưng cũng khó tính ở thời bấy giờ là Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh trong Sóng hấp dẫn.
Và album thứ tư vừa ra mắt, A Diary of Melody đánh dấu một bước tiến mới, khi Hoàng Quyên bắt đầu tự sáng tác cũng như trình diễn những giai điệu riêng. Được sự khuyến khích từ nghệ sĩ Thanh Bùi, 8 bài hát trong album này được chọn từ 30 bài hát mà cô đã viết trong thời gian qua.
Đĩa nhạc mới này, có thể nói, như những tâm sự vô cùng nữ tính của người phụ nữ đã bước qua bao biến động cuộc đời. Ở đó có sự chờ đón, trải nghiệm cũng như đắm chìm sâu trong tình yêu. Với một giọng hát cuốn hút, Hoàng Quyên biết cách tận dụng tối đa tất cả thế mạnh, khi không cần quá dụng công hay lên gân mà nương bản thân theo đúng với cảm xúc. Do vậy đĩa nhạc không có những sự trưng trổ, mà đúng như là tên gọi, như một tập nhật ký ghi lại giai điệu của những cảm xúc đã qua.
Mở đầu bằng đoạn acapella trong The Square, cô tạo ấn tượng bằng một giọng hát mộc. Trong bản phối điển hình của các bài ballad nhẹ nhàng với piano chủ đạo, dàn dây xen lẫn, đâu đó thảng hoặc chút guitar điện. Đây có thể nói là một bản nhạc “khai vị” vừa vặn. Ngay sau đó những The Balcony, Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh hay Life cùng chung không gian âm nhạc, mang đến một sự dịu dàng, đậm đà nữ tính.
Với những lời hát lãng mạn, có thể thấy Hoàng Quyên đã tạo ra không gian âm nhạc riêng cho mình. Nếu như Cửa thơm mùi nắng hay Sóng hấp dẫn trước đó, dấu ấn của nhà sản xuất lấn át cá tính của nữ ca sĩ, thì đĩa nhạc này đã khác. Những bản power ballad như Xin hôm nay trôi đi giúp phơi bày sự quyến rũ và đầy đam mê của giọng hát này. Qua đó thông điệp “sống là thấu hiểu bản thân”, “sự sống có màu nâu là màu ngàn đời của điều cốt lõi”... đã được truyền đi một cách có niềm tin hơn.
Hoàng Quyên cũng mang đến sự bất ngờ trong 2 ca khúc She và Bốn mùa để yêu. Có thể do chịu nhiều ảnh hưởng của album trước mà She chính là bản swing hiếm hoi của âm nhạc Việt có kết cấu độc đáo, mới mẻ. Trong tiếng búng dây contrabass tạo những âm bass trầm ấm cùng piano rải rác, kèn trumpet ở đoạn giang tấu, bài hát mang đầy sự ngẫu hứng cũng như lửng lơ của một “cô gái mây trời”. Đối với một người mới sáng tác, She cho thấy tiềm năng của Hoàng Quyên trong tương lai.
Còn với Bốn mùa yêu thương, đây là bản pop pha rock đặc biệt. Với khách mời Đỗ Hoàng Hiệp từ nhóm Ngũ Cung, sự tương phản giữa chất giọng dày của Hoàng Quyên và mỏng của Hoàng Hiệp đã tạo hiệu ứng thú vị. Cách xử lý theo hơi hướng rock cũng khiến album có điểm nhấn riêng theo hướng tươi mới hơn, so với phần đầu chậm rãi, nữ tính.
Một track nhạc khác cũng đáng chú ý là Colors hát cùng Thanh Bùi. Có thể thấy dấu ấn thân quen của anh trong track nhạc này - vẫn là giọng hát có nhiều biến hóa, cùng nhau, cả hai đã làm nên một bài hát có sự hài hòa trong giai điệu bắt tai và các khoảnh khắc phô diễn giọng hát ấn tượng.
Một hành trình mới
Nếu đang chờ đợi những bản phối mới và đầy bất ngờ như Nghịch lý, Như là cơn mưa tới… ở đĩa trước đó, thì A Diary of Melody vẫn chưa có dấu ấn riêng. Những bản phối trong album mới này vẫn tương đối đều, chưa có được những “điểm rơi” khiến cho khán giả bất chợt lắng lại và nhớ lâu hơn.
Dù vậy, nếu nghe thật sự kỹ càng, thì những thành tố của từng nghệ sĩ là rất đáng kể. Một trong số đó là tiếng guitar trong The Square hay Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh của nghệ sĩ San Trịnh. Trong những thời khắc rất nhỏ, người nghe có thể cảm được những tiếng guitar đánh theo điệu blues đầy cảm xúc. A Diary of Melody cũng được xem như một "cuốn nhật ký" live band sống động, khi là kết từ của sự quyết tâm của Hoàng Quyên: quy tụ bốn tài năng thuộc thế hệ solist mới gồm Lương Việt Tú (piano), San Trịnh (guitar), Phúc Minh Phạm (bass), Lê Minh Hiếu (drum) thành ban nhạc The Circle "độc quyền tác chiến" cùng cô để sáng tạo toàn bộ phần phối khí cho album.
Ngoài một album mang tham vọng giới thiệu một vai trò mới của mình, thì A Diary of Melody cũng được Hoàng Quyên xây dựng trong một dự án quy mô lớn hơn, là Quyên Gallery N0.1 có sự giao thoa của nhiều lĩnh vực, từ hội họa, thơ ca, âm nhạc đến điện ảnh. Trước đó MV Xin cho hôm nay trôi đi cũng được thực hiện bằng công nghệ 3D, khiến cho tác phẩm hội họa có thể chuyển động, đưa nữ ca sĩ bước vào thế giới cảm hứng mà chính nơi đó cô đã sáng tác.
Triển lãm sắp đặt Quyên Gallery theo đó cũng được tổ chức đến hết tháng 9 tại Hà Nội, nơi lưu giữ và trưng bày những nguồn cảm hứng để tạo nên album này. Có thể thấy Hoàng Quyên có được tư duy xây dựng một hệ sinh thái bao quanh sản phẩm, để tập trung hơn vào tính thống nhất của ý tưởng, cảm hứng, từ đó nối dài thêm sự ảnh hưởng cũng như đời sống của sản phẩm này. Trước đó, những dự án hiếm hoi được làm theo phong cách này có thể kể đến như Bản nguyên của Hà Trần hay No nê của Suboi gần đây.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thập kỷ qua, Hoàng Quyên cho thấy bước đi chậm mà chắc, bền bỉ của nữ nghệ sĩ luôn đề cao tính nghệ thuật trong từng dự án. Những album, concert của cô cho thấy đó là thứ âm nhạc, là tiếng nói Hoàng Quyên muốn cất lên, là những chiêm nghiệm về đời sống, những quan điểm nghệ thuật độc lập đáng suy ngẫm...
Bình luận (0)