Chàng hiệp sĩ nhà rường

28/01/2012 01:08 GMT+7

Nguyễn Văn Thiên Quế (30 tuổi, ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) không bị hấp dẫn bởi kiến trúc hiện đại, mà chỉ yêu từng thớ gỗ, mái ngói rêu phong.

Nguyễn Văn Thiên Quế (30 tuổi, ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) không bị hấp dẫn bởi kiến trúc hiện đại, mà chỉ yêu từng thớ gỗ, mái ngói rêu phong.

Một tay ngang chưa qua trường lớp lại được xưng tụng là “kiến trúc sư của nhà rường” quả không hề đơn giản. Điều lạ kỳ ở chàng trai này, những thứ mà anh đụng tay vào đa số là không hợp với… tuổi tác. Cái mà người lớn mê thì anh mê, cái mà đám choai choai đồng lứa thích thú thì anh chẳng buồn để mắt. Vậy nên trước khi bén duyên với nhà rường, Quế là một tay chơi cây cảnh khá nổi tiếng. Mới hơn 20 tuổi, anh đã ra bắc vào nam, lang bạt kỳ hồ chỉ với gia tài lận lưng là những hiểu biết về cây cảnh. “Nghề chơi và buôn bán cây cảnh khá phong lưu, lúc trúng lúc trật. Nếu săn được cây độc thì coi như đã ngồi trên một đống tiền”, Quế nhớ lại. Cũng có thời Quế lao vào chơi đồ cổ, một thú chơi công phu và tốn kém. Anh bảo lúc đó hễ ai mách cho ở đâu có thứ gì hay thì cũng phải lần mò tìm đến, hỏi mua cho được, nếu không thì đêm về ngủ chẳng yên.

Rong ruổi mãi, nếm đủ thắng thua, được mất trong những cuộc chơi, Quế dường như đã mỏi gối chồn chân và bắt đầu rẽ sang hướng khác. “Sau những lần lùng sục đồ cổ, cây cảnh khắp miền Trung, tôi thường xuyên bắt gặp hình hài những ngôi nhà rường và chợt nhận ra mình yêu nó. Càng xót xa hơn khi thấy ngôi nhà truyền thống ấy nay ít người quan tâm, để cho rêu phong mục nát, hoang phế theo thời gian…”, Quế tâm sự.

 
Nguyễn Văn Thiên Quế (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn thợ trong việc phục dựng nhà rường - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Ông nội anh từng là một thợ mộc làm việc trong cung đình Huế. Có duyên với nhà rường đã là một nhẽ, nhưng để vững vàng, am hiểu từng cái cột, cái kèo của một ngôi nhà rường là không hề giản đơn nếu như không tìm tòi học hỏi. “Điều kỳ lạ là tôi càng tìm hiểu càng mê, bởi mỗi ngôi nhà rường đều lưu giữ quá khứ, có câu chuyện của nó và họ tộc người sở hữu, có khi đến vài trăm năm. Nhà rường mang hết cả thần thái, cốt cách của người Việt”, Quế thích thú nói.

Quế bắt đầu hành trình phiêu lưu trong thế giới của những ngôi nhà cổ với một chút ít vốn liếng trong tay. Anh đi tìm những ngôi nhà rường đổ nát, những ngôi nhà mà người sở hữu nó giờ đã chẳng mặn mà với kiểu cách xưa cũ, muốn tống khứ đi để mua những “hộp khối” bê tông vững chãi. “Muốn mua nhưng tôi vẫn thuyết phục họ giữ lại hoặc hãy để cho tôi phục dựng lại rồi họ trả tiền công cho tôi, bởi tôi không muốn vì sở thích của mình mà những người chủ sở hữu mất đi nếp nhà truyền thống của họ”, Quế tâm sự.

Và khi mang tất cả “đống mục nát” về, Quế đã tìm mọi cách để phục dựng lại hình hài xưa cho nó, anh đã chăm sóc tỉ mỉ từng li từng tí. 6 năm trời Quế lăn lộn với những ngôi nhà rường cổ, anh đã phục dựng rất nhiều ngôi nhà, trong đó có 20 ngôi nhà anh rất tâm đắc. Giờ chỉ cần nhìn lướt qua hoa văn, vân gỗ trên cột, chái nhà anh đã biết nó được dựng từ năm nào, hư hỏng ra sao.

Không muốn ôm đồm công việc “hoài cổ” này một mình, Quế đã rót tình yêu nhà rường cổ vào trái tim của hơn 20 người thợ khác, tất thảy họ giờ đang cùng anh “trị bệnh” cho những ngôi nhà rường. Xưởng phục dựng nhà rường cổ của Quế sát bên quốc lộ 1A, ngày ngày vẫn vang lên tiếng đục đẽo.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.