Chủ nhân của những đôi giày đặc biệt này là anh Lê Hoàng Trung (còn gọi là Lee Trung, 36 tuổi, ngụ TP.HCM). Sau một vài năm làm lập trình viên phần mềm tại Việt Nam, cách đây khoảng 9 năm, anh Trung đã chuyển hướng sang Nhật Bản và hiện tại anh là kỹ sư phần mềm máy tính đang làm việc tại Tokyo (Nhật Bản), đồng thời cũng là chủ nhân của thương hiệu giày da thủ công Ichigo Ichie Shoemaker.
Hơn 200 - 300 công đoạn cho một đôi giày
“Khi làm lập trình viên phần mềm cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, tôi nhận thấy ngành IT đa số mọi người đều sử dụng tiếng Anh, trong khi thời điểm đó Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam, nên tôi muốn học thêm tiếng Nhật. Hơn nữa tôi muốn học hỏi thêm về công nghệ, văn hóa và con người ở Nhật, tôi tò mò vì sao nước Nhật luôn xảy ra thiên tai nhưng nền kinh tế của họ khôi phục cực kỳ nhanh, có rất nhiều điều càng tìm hiểu tôi càng thấy như có một lực hút khiến nhất định tôi phải đến Nhật Bản”, Trung kể về lý do đưa anh đến quyết định sang Nhật.
Anh Trung ban ngày là kỹ sư IT, tối đến lại làm thợ đóng giày thủ công rất chuyên nghiệp |
Hiện tại, anh Trung là kỹ sư cầu nối BrSE phụ trách bộ phận nước ngoài ở công ty bao gồm Việt Nam, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia…
Và anh đến với nghề shoemaker (thợ đóng giày) cũng tình cờ. “Tôi được bạn thân giới thiệu đến đóng giày bespoke (dựa theo số đo và sở thích cá nhân) tại một xưởng của shoemaker nổi tiếng Nhật Bản. Tại đây tôi được chiêm ngưỡng những đôi giày tuyệt đẹp đứng top đầu thế giới, từ đó tôi tò mò hơn về chi tiết và quyết định tìm hiểu qua mạng, mua thêm sách về nghiên cứu và tôi cảm thấy đam mê nên quyết định theo nghệ nhân học nghề”, anh Trung kể.
Nhưng vì công việc chính của anh là kỹ sư phần mềm máy tính, nên anh chỉ có thời gian cuối tuần cho việc học. Càng học anh càng thấy đam mê, hơn nữa làm những việc thủ công, tỉ mỉ như đóng giày khiến anh giảm bớt căng thẳng công việc, cảm thấy yêu cuộc sống hơn và càng có nhiều ý tưởng phong phú, sáng tạo hơn.
“Tôi yêu công việc thủ công vì tôi cảm thấy nó thú vị, từ đó tôi quyết định theo nghề này như một cơ duyên. Hoặc cũng có lẽ kiếp trước tôi là thợ đóng giày”, anh Trung hài hước chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với công việc thợ đóng giày.
Sản phẩm của anh Lê Hoàng Trung |
NVCC |
Vốn dĩ đóng giày thủ công đã là một nghề khó, không phải ai cũng làm được, thì với một kỹ sư công nghệ thông tin theo học lại càng không đơn giản. Anh Trung thừa nhận: “Phải nói đây là một môn rất khó, không phải ai theo học đều có đủ kiên nhẫn để đi đến cùng. Từ việc để cắt được miếng da ngay thẳng theo thiết kế cũng phải học cách mài dao cho thật sắc bén. Mài dao không dễ mà phải qua nhiều loại đá mài khác nhau và phải học cách cầm dao theo một góc độ nhất định khi mài để đạt được độ sắc bén tốt nhất. Lạng miếng da phải đạt độ mỏng thích hợp, không bị tua cạnh; rồi phải học cách tạo ra last giày (tên gọi của khuôn giày mô phỏng hình dáng của bàn chân) từ khúc gỗ theo số đo...”.
Nói như anh Trung thì để làm được thành phẩm một đôi giày handmade đúng nghĩa phải trải qua hơn 200 - 300 công đoạn nhỏ và thật tỉ mỉ mới đạt được chất lượng cao nhất.
Những đôi giày da thủ công anh Trung làm khiến nhiều người yêu thích |
NVCC |
Quả ngọt cho một quá trình kiên trì
Vì thời gian không nhiều nên anh Trung đã theo học và tự luyện tập thêm sau khi đi làm về suốt gần 5 năm, sau đó anh làm một số giày và đăng lên các hội nhóm về giày hội tụ thành viên khắp nơi trên thế giới. Ngay sau đó, anh nhận được nhiều lời khen cũng như cổ vũ anh lập thương hiệu riêng, đồng thời anh cũng nhận nhiều đơn đặt hàng từ những thành viên trên hội nhóm. Từ đó thương hiệu của anh được nhiều người biết đến và yêu thích.
Anh Trung cho biết một đôi giày hoàn toàn thủ công từ công đoạn lấy yêu cầu của khách đến lúc hoàn thiện và giao mất khoảng 6 tháng. Tuy nhiên anh cũng chia sẻ: “Hiện tại cũng như những shoemaker và nghệ nhân khác ở Nhật, tôi mở xưởng tại nhà và làm tất cả các công đoạn thủ công từ lấy yêu cầu khách hàng, thiết kế, cắt rập, đóng giày đến hoàn thiện. Nhưng số lượng đơn hàng ngày càng lớn và có khách phải đợi 3 - 5 năm trong danh sách đặt hàng”.
“Điều gì khiến khách kiên nhẫn đợi nhiều năm liền để sở hữu một đôi giày?”, người viết thắc mắc. Anh Trung lý giải: “Sở dĩ họ kiên nhẫn chờ vì mỗi đôi giày mình làm ra đều thể hiện được cá tính riêng của họ và theo số đo chân nên đôi giày chỉ dành riêng cho họ, hay còn gọi là tính cá nhân hóa. Mỗi đôi giày là một tác phẩm, mỗi nghệ nhân sẽ có những nét riêng trên đôi giày họ làm ra nên rất khó có sự trùng lặp giữa các đôi giày được đặt riêng này. Và dĩ nhiên những đôi giày thủ công sẽ rất bền, có những đôi giày thủ công được nghệ nhân làm cách đây hàng trăm năm vẫn còn rất tốt và tồn tại đến hiện nay”.
Anh Trung cũng cho biết chỉ nhận làm giày bespoke (làm theo yêu cầu thiết kế của khách và lấy số đo trực tiếp) giá từ 2.500 USD và remote bespoke (chỉ được chọn những mẫu trong danh sách có sẵn, lấy số đo từ xa) giá từ 1.500 USD, tùy thuộc vào da và yêu cầu của khách thì giá sẽ có sự thay đổi.
Hiện tại đóng giày là một ngành anh Trung đam mê, nhưng vì quỹ thời gian khá ít nên chưa tập trung được nhiều. Tương lai anh muốn mở rộng và tập trung phát triển thương hiệu, nên anh dự định sẽ về Việt Nam và chỉ tập trung vào phát triển ngành giày thủ công, cũng như đào tạo thêm nhân lực.
“Nhà tôi có 2 anh em, nhưng sắp tới em trai cũng dự định sang Nhật nên tôi sẽ về Việt Nam khởi nghiệp để gần gia đình. Một phần nữa, tôi cũng muốn mang những gì mình học được về Việt Nam, đào tạo thêm thành viên nhằm phát triển hơn ngành giày thủ công cũ nhưng lại rất mới này. Tương lai tôi ước mơ sẽ thành công như những thương hiệu giày thủ công nổi tiếng của Nhật”, anh Trung ấp ủ.
Bình luận (0)