Chỉ cao 1,1 m, Lê Văn Anh (38 tuổi, ở thôn 1, xã Lý Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) bươn chải khắp nơi kiếm sống. Còn bây giờ anh gặt hái thành công khi làm chủ một xưởng mộc.
Anh miệt mài làm việc trên xưởng mộc -
Ảnh: T.Q.N |
Lăn lộn kiếm sống
Xưởng mộc của Anh nằm khuất bên trong các lùm cây, cách xa con đường nhưng lại nổi tiếng trong vùng, rất nhiều người biết đến. Khi chúng tôi đến, Anh đi kiểm tra công trình đang làm ở ngoài; đợi một lúc, bóng dáng Anh nhỏ tí xuất hiện ngoài ngõ, bước ngắn bước dài, nhưng khá nhanh nhẹn.
Anh bảo, phần trên cơ thể của anh bình thường, tay cũng to dài như ai, duy chỉ có chân là khác biệt, nó teo tóp và không có bắp đùi. Nhưng Anh hoàn toàn khỏe mạnh. “Khỏe mới làm nghề được chứ, thậm chí tui còn làm ngon hơn người khác, cửa các loại tui lắp vô tư”, Anh tự tin giới thiệu. Anh kể, từ năm 9 tuổi, anh đã quan sát ông chú làm mộc và tập đục đẽo rồi. Đến khi nghỉ học ngang lớp 10, anh lặn lội vào Huế học nghề đóng giày dép. Học xong trở về quê anh đóng giày dép cho mọi người trong vùng. Hàng anh đóng đẹp và đi rất bền, đến giờ nhiều người vẫn nhớ như in những đôi dép anh đóng, nó đi rất sướng. Cơ chế thị trường len lỏi về nông thôn, hàng hóa làm sẵn ồ ạt xuất hiện đã ảnh hưởng đến nghề đóng thủ công của anh. Nhận thấy khó tồn tại, anh quyết định quay lại với nghề mộc. Anh tiếp tục theo chú rèn luyện kỹ thuật làm mộc. Khi cảm thấy tự tin, có thể tự đóng được, Anh quyết định mượn em rể 7 triệu đồng kết hợp với ông cậu mở xưởng mộc.
Hàng anh đóng đẹp, chất lượng uy tín, giá cả phải chăng nên tiếng tăm ngày một lan xa. Xưởng phát triển dần dần từ đó. Giờ đơn đặt hàng có quanh năm. Giá trị máy móc của xưởng hiện đã gần trăm triệu đồng, xưởng luôn có 4 thợ chính làm tại chỗ cùng với hơn 10 thợ phụ làm trực tiếp tại các công trình. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Anh thuê 2 thợ chính ở miền Bắc vào làm, chế tác những sản phẩm mới hợp thời. Thợ chính của xưởng hưởng mức lương 222.000 đồng/ngày, còn thợ phụ 150.000 đồng/ngày; điều đặc biệt là Anh tuyển cả người khuyết tật vào làm nhằm giúp đỡ họ có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Hạnh phúc đến muộn
Mặc cảm bản thân và phải lăn lộn bươn chải kiếm sống nên nhiều năm trời Anh chẳng mơ tưởng chuyện yêu đương. Hỏi đến Anh cười hiền hậu bảo: “Mình lùn tịt thế này thì ai yêu chứ. Lúc nhỏ chủ yếu ở nhà, lớn lên cũng vậy, đi làm về rồi ở nhà thôi. Cứ đến giờ ba mẹ nấu cơm cho ăn, ăn xong lại đóng cửa nhà coi ti vi rồi nằm ngủ. Nhìn tụi trẻ đi chơi hẹn hò ngoài đường cũng đành ngậm ngùi thôi chứ như mình ai để ý. Có đi chơi người ta cũng kỳ dị”. Có lẽ vì thế mà Anh càng lao vào công việc, nỗ lực thể hiện bản thân hơn, để cho thiên hạ biết anh không khuất phục số phận và không thua kém ai. Khi đã có chút vốn liếng cũng như tiếng tăm trong tay, Anh dần tự tin hơn, ăn nói bạo dạn hơn. Và duyên đến với Anh trong một lần đi lắp cửa nhà cho một gia đình trong làng.
Anh hài hước: “Số mình là anh vợ tán vợ cho mình”. Chuyện là người thuê Anh lắp cửa có cô em gái tên là Trần Thị Trúc đi làm ăn xa, thấy Anh hiền lành, bộc trực dễ thương nên mới ngỏ ý làm mai mối. Nghe thế Anh cũng ậm ừ nhưng trong bụng thì sướng lắm. Biết đâu nhờ thế mà nên duyên vợ chồng. Có số điện thoại, Anh chủ động liên lạc với Trúc. Những câu chuyện làm quà, những lời hỏi thăm, động viên nhau qua điện thoại di động đã đi vào trái tim của 2 người. Rồi Trúc trở về quê gặp mặt.
Sau mấy lần hẹn hò, Trúc nhận lời yêu Anh. Lý do để Trúc nhận lời đơn giản đó là sự đồng cảm, khâm phục nghị lực, ý chí cũng như tài năng của Anh. Đám cưới của họ diễn ra vào năm 2011, giờ vợ chồng Anh đã có đứa con trai 3 tuổi.
Sau một ngày lao động cật lực trên xưởng mộc, Anh trở về nhà với niềm vui đoàn tụ. Anh tâm sự: “Đứa con trai lanh lợi là nguồn động viên, tiếp sức mạnh cho mình phấn đấu hơn nữa trong chặng đời phía trước”.
Bình luận (0)