Chang nắng trên đồng muối Châu Hạ

Phạm Đức
Phạm Đức
15/07/2019 09:18 GMT+7

Những ngày này, bà con diêm dân ở thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang phải làm việc dưới cái nắng như thiêu như đốt để chắt lọc nước biển, làm ra những hạt muối trắng .

Công việc dù rất vất vả nhưng tự bao đời, nghề muối đã giúp bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

Neo đời bên đồng muối

Trưa. Trời nắng như đổ lửa. Ngoài đường vắng tanh, nhà nhà đóng cửa im lìm nghỉ ngơi sau một buổi làm việc. Nhưng trên cánh đồng muối Châu Hạ lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, hơn 150 diêm dân vẫn đang lao động miệt mài dưới cái nắng như nung. Để tạo ra hạt muối trắng, họ phải ra đồng vào giờ này.
Men theo con đường đất, tôi đi xuống cánh đồng muối. Nơi này, gió Lào vẫn thổi từng cơn, mang theo hơi nóng hầm hập và vị muối biển mặn chát phả thẳng vào người đến rát mặt. Mới chụp được vài ba tấm ảnh, tôi đã phải chui vào một căn chòi tạm được dựng bên ruộng muối của cụ Phan Thị Thành (88 tuổi, ngụ tại thôn Châu Hạ).
Cái chòi chỉ là một tấm liếp che trên 4 cái cọc cao chưa quá 1 m và chỉ đủ cho 2 người ngồi. Nhà nào cũng phải làm chòi tạm để thi thoảng vào ngồi nghỉ ngơi.
Dưới ánh nắng chói chang ban trưa, cụ Thành với thân hình gầy gò, bịt kín cả người, chỉ lộ khuôn mặt đang “phơi nắng” ngoài ruộng muối. Cụ dùng xẻng xúc đống cát đã gom lại trước đó ra phơi. “Trời nắng như ri chú ra đây làm chi cho phát dại. Không ở nhà nghỉ ngơi cho mát”, cụ nói, khi thấy tôi chạy tới chạy lui chụp ảnh.

Cánh đồng muối Châu Hạ

PHẠM ĐỨC

Cụ Phan Thị Thành phải che khăn trên nón để nắng đỡ táp vào mặt

PHẠM ĐỨC

Từ nhỏ, cụ Thành đã theo cha mẹ ra đồng làm muối và bám trụ với nghề này đến bây giờ. Để có được hạt muối, phải trải qua rất nhiều công đoạn mà người làm muối phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi cũng mặt chát như muối. Bắt đầu từ việc chuẩn bị ruộng, đầm đất, lấy nước biển vào ruộng, phơi cát, ngâm cát rồi lắng lọc nước biển cho vào bể rồi múc đưa lên sân phơi. Sau khi nước biển kết tinh thành muối lại phải dùng chang nạo muối và dồn thành đống chở về nhà.
Những công đoạn này phải làm liên tục dưới trời nắng gắt. Ai cũng tranh thủ để làm cho kịp nắng. Bởi vậy, ở cánh đồng muối Châu Hạ, hầu hết các hộ làm muối đều có từ 2 - 3 người hỗ trợ nhau. Còn với cụ Thành, do chồng mất từ lâu, 3 người con trai đều lấy vợ ra ở riêng nên không còn ai làm cùng.
“Nghề này cực lắm chú ơi, vì chang nắng cả ngày giữa đồng. Sản lượng muối làm ra không đều, lúc cao lúc thấp vì phải dựa theo thời tiết. Nhưng cũng phải bám lấy nghề, kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống. Như tui, lủi thủi làm một mình, mỗi ngày cũng kiếm được tạ muối”, cụ Thành nói.
Khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng, bà Phạm Thị Lan (68 tuổi) tỏ ra mệt mỏi khi ngồi trong chòi tránh nắng sau khi hoàn tất công đoạn xúc cát đổ vào bể lọc. “Tui làm nghề này từ năm lên 17 tuổi cho đến tận bây giờ. 2 năm trước còn có chồng làm cùng, chứ bây giờ ông ấy bị tai biến nằm một chỗ, tui phải làm một mình”, bà Lan vừa thở dốc vừa nói.

Cụ Nguyễn Thị Chắt mưu sinh trên đồng muối giưa trưa nắng gay gắt

PHẠM ĐỨC

So với các nghề khác, nghề muối vất vả hơn nhưng thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu. Cũng như thời tiết, giá muối lúc tăng lúc giảm và ngày càng bèo bọt. Hiện nay giá muối chỉ được 150.000 đồng/tạ. Như vợ chồng cụ Nguyễn Đình Bảy và Nguyễn Thị Chắt, năm nay đã bước qua tuổi 80 tuổi nhưng vẫn đang làm 2 sào ruộng muối.
Cụ Bảy cho biết: “Ngày nào cao thì được khoảng 2 tạ, bán được 300.000 đồng. Nhưng không phải lúc nào muối làm ra cũng bán được, nhiều khi phải chất vào kho, nửa năm sau mới có người đến mua”.

Nghề của người già

Hơn nửa đời người neo mình bên đồng muối, vợ chồng ông Lê Xuân Mưu (68 tuổi) dường như đã quen với việc đứng giữa trời nắng nóng như thiêu. “Tuổi cao nên vợ chồng tui thi thoảng đang làm muối trên đồng vẫn bị chuột rút, có khi tối về nhà thì lên cơn sốt, phải gọi bác sĩ đến truyền nước. Hai vợ chồng cũng từng có ý định bỏ nghề nhưng nếu không làm nghề này thì chẳng biết làm gì”, ông Mưu nói.

Diêm dân phải vào chòi để uống nước, nghỉ lấy sức

PHẠM ĐỨC

Những thúng muối trắng thu được sau nửa ngày phơi nắng

PHẠM ĐỨC

Ông Mưu cho biết, để “sống chung” với nắng nóng, người dân nơi đây phải có mẹo. Ông bật mí: “Làm muối giữa trời nắng nóng cộng với gió Lào thổi mạnh khiến cơ thể nhanh mất nước, cổ khát khô. Vì thế, trước khi ra đồng, ngoài mặc quần áo dày thì mỗi người đều phải mang theo khoảng 4 - 5 lít nước, nhà ai giàu thì có thể mang theo sữa hộp. Làm khoảng 30 phút thì lại phải vào chòi nghỉ uống nước và sữa để lấy lại sức. Có lẽ vì thế mà từ xưa đến nay, người dân làng muối quê tôi chưa ai bị sốc nhiệt hay đột quỵ khi đang làm việc”.
Đáng chú ý, trên đồng muối Châu Hạ nay thiếu vắng thanh niên, chỉ có người già và cánh phụ nữ chân yếu tay mềm. “Bây giờ nghề muối là nghề chính của các cụ già, còn người trẻ chỉ xem đây là nghề phụ. Thanh niên trong thôn, người thì đi xuất khẩu lao động, người thì đi làm thuê hoặc vào làm miền Nam làm công nhân. Như đợt này, mình không được ai thuê đi bốc vác nên mới ra đồng làm muối”, diêm dân Phạm Văn Đức (32 tuổi) giải thích.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Thạch Châu, cho hay hiện có 120 gia đình ở thôn Châu Hạ vẫn đang theo nghề làm muối truyền thống. Hiện đầu ra cho hạt muối vẫn phải chờ người dân thu mua để ướp thực phẩm, nấu ăn, bỏ ruộng… chứ chưa có cơ sở chế biến công nghiệp nào thu mua muối ổn định, nên nghề muối của xã gặp rất nhiều khó khăn.
“Nghề làm muối cho thu nhập trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Tuy không cao so với thu nhập từ một số công việc khác nhưng cũng giúp bà con có thêm thu nhập, đây cũng là cách để bà con giữ lại cái nghề mà cha ông để lại”, ông Thông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.